Cần giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho người lao động
Theo Bộ trưởng, đến nay, đã có 70 nghìn lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc. Gần đây, xuất hiện tình trạng người lao động ở lại khi hết hạn hợp đồng, lên tới trên 5% số lao động hết hạn.
Đây chính là nguyên nhân khiến Hàn Quốc tạm hoãn việc gia hạn hợp đồng, tìm giải pháp tích cực đưa người lao động Việt Nam về nước theo đúng quy định của pháp luật 2 nước. Khi nào số lao động ở lại bất hợp pháp giảm xuống, Hàn Quốc sẽ tiếp tục tiếp nhận lao động Việt Nam.
Nắm được tình trạng này, ngay từ cuối năm 2011, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã yêu cầu địa phương giáo dục người lao động, đề nghị gia đình vận động người lao động về nước khi hết hợp đồng.
Bộ cũng đã phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc, các tỉnh có đông lao động tại Hàn Quốc tìm các giải pháp, phối hợp với Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Cựu chiến binh và Trung ương Hội Nông dân để vận động, thuyết phục các gia đình có người lao động tại Hàn Quốc.
Đặc biệt, với các địa phương có nhiều lao động ở lại bất hợp pháp, Bộ sẽ giảm chỉ tiêu trong các đợt tuyển lao động mới sang Hàn Quốc.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, bài học "thấm thía nhất" rút ra từ tình trạng này là vấn đề giáo dục ý thức công dân, ý thức tự trọng, ý thức chấp hành pháp luật cho người lao động.
Trước ý kiến cho rằng các khoản phí cho việc xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc quá cao, nên lao động buộc phải trốn ra ngoài làm việc, Bộ trưởng cho rằng đây chỉ là lý do để biện bạch cho việc ở lại bất hợp pháp.
Theo quy định, chi phí cho một lao động sang Hàn Quốc là 630 USD, gồm chi phí tập huấn, hướng dẫn, chuẩn bị hồ sơ, visa và vé máy bay. Lao động mang theo 500 USD để nộp vào quỹ bảo vệ thân thể, khi nào hết hạn hợp đồng sẽ được nhận lại.
Tuy nhiên, trên thực tế, có thể nhiều lao động do không biết nên đã sang Hàn Quốc làm việc thông qua các đường dây bất hợp pháp. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội rất mong nhận được thông tin về những chi phí, tốn kém bất bình thường của người lao động, từ đó có biện pháp xử lý.
Về vụ hỏa hoạn xảy ra trong tháng 9/2012 tại Liên bang Nga khiến 14 lao động Việt Nam thiệt mạng, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền bày tỏ sự chia sẻ với gia đình các nạn nhân.
Bộ trưởng cho biết hiện đa số lao động Việt Nam sang Nga làm việc đều không thông qua các tổ chức được Nhà nước cấp phép, nên họ chịu nhiều thiệt thòi. Do đó, những lao động muốn sang Nga làm việc phải cảnh giác, tìm hiểu kỹ để tránh các đường dây bất hợp pháp.
Nhiều quyền lợi nếu về đúng hạn
Theo Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), nếu không kiểm soát chặt, số lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng vì có 17.000 lao động hết hạn hợp đồng trong năm nay và năm tới.
Trên thực tế, các lao động về nước đúng hạn có nhiều cơ hội việc làm hơn. Từ nay đến hết năm, Hàn Quốc chỉ ưu tiên tái tuyển dụng lao động thuộc diện trung thành và lao động hết hạn hợp đồng về nước đúng hạn, chứ không tuyển lao động mới.
Theo thống kê của Trung tâm Lao động ngoài nước, tính đến ngày 20/9, đã có 566 lao động Việt Nam trong diện lao động trung thành được phía Hàn Quốc tái tuyển dụng.
Ngoài ra, lao động về nước đúng thời hạn sẽ có cơ hội được tuyển dụng làm việc trong các doanh nghiệp Hàn Quốc ở Việt Nam, theo chương trình hỗ trợ người lao động nước ngoài của Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc.
Ngày 12/10 vừa qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức Hội chợ việc làm đầu tiên dành cho người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc về nước.
Tại đây, 470 lao động đã được 62 doanh nghiệp Hàn Quốc phỏng vấn.
Ngoài ra, lao động về nước đúng hạn cũng được nhận lại khoản tiền bảo hiểm hồi hương, được đào tạo nghề...
Cùng với việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng sẽ tiếp tục bàn với Bộ Tư pháp để có các hình thức xử lý về mặt hành chính với các lao động ở lại trái phép.
Hiện phía Hàn Quốc cũng đã áp dụng các biện pháp mạnh tay với lao động cư trú bất hợp pháp và chủ sử dụng lao động cố ý sử dụng lao động bất hợp pháp.
Theo P.V/DNSG