‘Bà Bùi Lệ Oanh xứng đáng được khen thưởng’

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh trên số báo ngày 24-7, bà Bùi Lệ Oanh (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau) đã được thanh tra tỉnh đề xuất khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong việc phát hiện, tố giác tham nhũng (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau cũng thống nhất với đề xuất này). Tuy nhiên, khi Hội đồng Thi đua-Khen thưởng (TĐ-KT) của tỉnh họp xét, bỏ phiếu, bà Oanh chỉ đạt 8/13 phiếu thuận, tỉ lệ dưới 75% nên theo quy chế TĐ-KT của tỉnh này, hội đồng không đề xuất lên chủ tịch tỉnh khen thưởng bà Oanh.

Vậy việc áp dụng phương thức bỏ phiếu của Hội đồng TĐ-KT tỉnh Cà Mau với trường hợp của bà Bùi Lệ Oanh có hợp lý không? Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ).

Phải khen thưởng theo Thông tư liên tịch 01/2015

Ông Đạt nói: “Việc Hội đồng TĐ-KT tỉnh Cà Mau họp xét, bỏ phiếu để quyết định có đề nghị lên chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khen thưởng đối với bà Bùi Lệ Oanh về thành tích tố cáo hành vi tham nhũng ở Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau là can thiệp quá sâu vào quy trình khen thưởng đối với người tố cáo tham nhũng”.

Theo Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt, với thành tích đạt được, bà Bùi Lệ Oanh xứng đáng được tỉnh Cà Mau khen thưởng theo quy định tại Thông tư liên tịch 01/2015.Ảnh: TRẦN VŨ

Theo ông Đạt, vụ án đưa và nhận hối lộ diễn ra tại Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau do bà Oanh tố cáo đã được tòa xét xử và ra phán quyết đúng như bà Oanh tố cáo thì phải khen thưởng bà Oanh theo đúng chính sách, quy định của pháp luật. “Cụ thể, bà Oanh đủ tiêu chuẩn và xứng đáng để xét khen thưởng là người có thành tích xuất sắc trong việc tố giác tham nhũng theo Thông tư liên tịch 01/2015” - ông Đạt nhấn mạnh.

Ông Đạt cũng cho rằng việc Hội đồng TĐ-KT tỉnh Cà Mau bỏ phiếu kín và không đề xuất đến chủ tịch tỉnh khen thưởng bà Oanh vì không đạt tỉ lệ phiếu theo quy chế của tỉnh là không hợp lý mà phải thực hiện theo các quy định của Nhà nước, cụ thể là theo thông tư trên.

Nếu chưa khen thưởng, cần khen thưởng kịp thời

Nói về quy trình làm thủ tục khen thưởng cho bà Oanh, ông Đạt cho biết UBND tỉnh Cà Mau chỉ cần giao cho thanh tra tỉnh, cơ quan có liên quan hoàn tất hồ sơ đề xuất khen thưởng đối với bà Oanh về thành tích tố cáo tham nhũng là đảm bảo quy trình. Từ đây cần khen thưởng kịp thời cho bà Oanh.

Theo ông Đạt, việc khen thưởng cho bà Oanh là nhằm khuyến khích, động viên người dân tham gia tố cáo tham nhũng cũng như bảo vệ các quyền lợi của người tố cáo tham nhũng.

“Ở đây phải khẳng định rằng Đảng, Nhà nước luôn nỗ lực trong việc phòng, chống tham nhũng thì các cơ quan đơn vị liên quan có thẩm quyền phải khen thưởng kịp thời đối với những người tố giác tội phạm. Trong vụ này, nếu Cà Mau chưa xem xét khen thưởng đối với bà Oanh thì phải khẩn trương xem xét để khen thưởng cho bà theo tiêu chí, quy định của Nhà nước để động viên người dân. Còn ngược lại không khen thưởng, động viên kịp thời thì còn gì là quy định, chính sách dành cho người tố cáo tham nhũng nữa” - ông Đạt nói.

Thông tư liên tịch số 01/2015/TTCP-BNV quy định về việc khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng. Theo đó, thông tư này nêu rõ việc khen thưởng được áp dụng với cá nhân lập thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng; hoặc có thành tích cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để xử lý hành vi tham nhũng bị tố cáo, thu hồi tài sản tham nhũng.

Với trường hợp đề nghị bằng khen ở cấp tỉnh như bà Bùi Lệ Oanh, thông tư trên cho hay phải tuân thủ các quy định tại Điều 21 Nghị định76/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tố cáo.

Cụ thể, để được nhận bằng khen cấp tỉnh thì khoản 3 Điều 21 nghị định trên yêu cầu phải đạt được một trong các tiêu chuẩn sau:

Thứ nhất là cá nhân đã tố cáo, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng; thành tích đạt được có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương sáng trong phạm vi của tỉnh.

Thứ hai, người tố cáo bị thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe mà tỉ lệ thương tật từ 11% đến dưới 31% do tố cáo, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.

Phải có trách nhiệm trong khen thưởng người tố cáo

Chúng ta phải khen thưởng cho những người tố cáo tham nhũng, tiêu cực một cách xứng đáng kể cả về vật chất lẫn tinh thần. Bởi có khen thưởng xứng đáng thì người tố cáo tham nhũng mới giúp chính quyền chỉ ra những tiêu cực nhũng nhiễu, để làm trong sạch bộ máy. Theo quy định của pháp luật, người tố cáo phải được bảo đảm các quyền lợi liên quan và bản thân người đứng đầu cơ quan chính quyền phải có trách nhiệm khen thưởng, bảo vệ họ trước các thế lực tham nhũng.

Ông PHẠM TRỌNG ĐẠT,
Cục trưởng Cục Chống tham nhũng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm