Lời trần tình của bà Bùi Lệ Oanh, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, người đang được đề nghị khen thưởng vì có công chống tham nhũng, cho thấy: Nỗi cô đơn của những người không thỏa hiệp với tiêu cực khó có gì diễn tả nổi.
Cũng bởi một sự thật dễ hiểu: Tiêu cực, tham nhũng thường diễn biến khó lường và ở những tầng cao. Một cán bộ bình thường như bà Oanh sẽ rất cơ cực để chống lại cả một quy trình hối lộ tinh vi giữa những người có tiền và những người có quyền.
Khi những hành động dũng cảm chống tiêu cực, tham nhũng còn đơn độc, lẻ loi thì cũng chính là lúc cuộc chiến chống tham nhũng, yếu tố đe dọa sự tồn vong của dân tộc, chưa có đủ lực lượng chính trực, đủ sức mạnh để đương đầu với những rủi ro cả về tinh thần, vật chất, thậm chí là tính mạng.
Mà đâu chỉ có bà Oanh, ngay cả những nhà báo nhiệt tâm chống tham nhũng cũng rơi vào cảm giác cô đơn cùng cực ấy.
Phó Tổng Biên tập báoTiền PhongPhùng Công Sưởng, trong buổi họp về giải báo chí chống tham nhũng mới đây, nói: “Nhà báo chống tham nhũng, tiêu cực rất cô đơn… Hành trang của nhà báo chống tham nhũng chỉ là… sự thật”. Như thực tế đã chỉ ra, hành trình để đưa sự thật về tiêu cực, tham nhũng ra ánh sáng công lý rất gian nan, trắc trở.
Cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng vì sao lại gian nan đến vậy trong khi ai cũng biết không còn tham nhũng, quốc gia sẽ hưng thịnh? Thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng chỉ ra: Chống tham nhũng khó là vì ta tự đánh vào ta…
Rõ ràng tham nhũng khi ăn rễ sâu vào trong hệ thống thì cũng chính hệ thống ấy sẽ gây khó dễ và có thể làm tiêu tan những nỗ lực chống tham nhũng, tiêu cực của những người chính trực. Điều ấy, theo lời Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân kể, đã khiến Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh rằng: “Nếu chỉ có Đảng và Nhà nước chống tham nhũng thì không thành công”.
Bởi vậy một trong những yêu cầu mà ông Nguyễn Thiện Nhân khi tổ chức giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã nêu ra là: “Phải bảo vệ được người tố cáo tiêu cực, tham nhũng”. Ngay tại buổi làm việc với Hội Cựu chiến binh Việt Nam chiều 9-3, ông Nhân cũng kêu gọi phải bảo vệ người dũng cảm tố cáo tiêu cực. Chỉ có như thế chống tham nhũng, tiêu cực mới có kết quả.
Báo chí, người dân và những cán bộ chính trực như bà Oanh, ông Sưởng khi chống tham nhũng, tiêu cực chắc chắn chỉ vì “ngại… cái ác sẽ lên ngôi”. Nhưng khi những người sợ cái ác sẽ lên ngôi bị cô lập đến mức cô đơn, lẻ loi… thì rất cần một sự bảo vệ chính danh, thực sự từ những cấp rất cao.
Trong sự vụ bà Oanh tố giác, cuối cùng thì cũng có kết quả. Người bị bà tố giác đã bị pháp luật trừng trị. Điều đó cho thấy khi quyết tâm của lãnh đạo và bản chất không khoan nhượng với cái ác gặp nhau thì khi ấy tham nhũng, tiêu cực mới có thể bị đẩy lùi, nhường chỗ cho một chế độ liêm chính ngự trị.