Kẹt
TP.HCM những ngày cuối năm 2009 “kẹt đủ thứ”. Kẹt xe là thứ kẹt triền miên. Kẹt người xô nhau đi mua hàng hiệu giảm giá là thứ kẹt ngày “sale off”. Và kẹt các hội diễn, liên hoan: tháng 10 Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc, tháng 11 Hội diễn cải lương chuyên nghiệp vừa trao xong huy chương nóng hổi, thì tiếp đến LHP Việt Nam 16.
Nhìn đi nhìn lại thấy LHP Việt Nam dù đã có tuổi gần bốn thập niên vẫn…không giống ai. Trên “bản đồ LHP” thế giới, có lẽ duy nhất chỉ còn lại LHP Việt Nam là “loanh quanh” một cách đầy ngẫu hứng và bất định. Trong khi tất cả các LHP thế giới đều được tổ chức cố định tại một địa phương với lịch trình thời gian ổn định và nổi trội là xu hướng đưa LHP về các thành phố nhỏ, có tiềm năng phát triển du lịch, thì LHP Việt Nam vẫn tiếp tục hành trình loanh quanh của mình.
Nếu như hai LHP Việt Nam đầu tiên (1970, 1973) được tổ chức tại Hà Nội, thì tới năm 1975 LHP Việt Nam được dời xuống Hải Phòng, năm 1977 vào TP.HCM và năm 1980 lại quay ra Hà Nội trước khi lộn vào TP.HCM vào năm 1983. LHP Việt Nam còn “đi đi lại lại” giữa Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Huế, rồi Vinh, Buôn Ma Thuột, Nam Định cho tới 2009 thì về lại TP.HCM sau 26 năm.
Khoảng cách giữa các LHP cũng bất định, có khi 2 năm, có khi 3 năm, đặc biệt giữa LHP lần thứ 13 (tại Vinh) và LHP lần thứ 14 (tại Buôn Ma Thuột) kéo dài 4 năm.
Ở giữa một thành phố “trung tâm của các sự kiện” này, đặc biệt trong những ngày cuối năm, không rõ poster quảng bá cho LHP có “đè” nổi các poster quảng cáo giăng khắp các cột điện trong thành phố? Không rõ khán giả thành phố bận rộn và quanh năm no đủ phim ảnh, từ “bom tấn” Ta lẫn “bom tấn” Tây có chịu bỏ thời gian và vượt qua được nỗi sợ hãi kẹt xe tham dự các buổi chiếu trong LH (diễn ra vào sáng và chiều các ngày giữa tuần, từ 9 đến 11/12)?
Và nếu không có “cát- sê hiện diện” thì không rõ các nhân vật “celebrity” có tề tựu đông đảo, trưng diện lộng lẫy làm nên phần hấp dẫn không thiếu được trong các LHP? Ở một nơi “kẹt đủ thứ” khó khăn thế đấy. Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp vừa qua nhiều buổi thi chẳng “vỡ mặt” vì thiếu khán giả ở một thành phố mà sân khấu kịch ăn nên làm ra nhất cả nước là gì?
Rồi sau khi kết thúc ở TP.HCM tháng 12 này, không biết LHP Việt Nam lần thứ 17, 18 sẽ đi đâu?
Chuyện tình xa xứ
Web
Sau gần 40 năm “ra đời”, đến LHP 16 Ban tổ chức mới tự hào công bố về một trang web chính thức của LHP. Nhưng trước đó bốn năm, tại LHP Việt Nam lần thứ 14 (tổ chức tại Buôn Ma Thuột), một nhóm bạn trẻ của diễn đàn điện ảnh đã cho ra mắt một trang web không chính thức thay cho trang web chính thức không có của LHP! Tình trạng vẫn không được cải thiện ở LHP Việt Nam 15. Cũng vì lý do này mà hiện tại, thông tin về LHP Việt Nam trên từ điển mở wikipedia hết sức nghèo nàn.
Theo thông báo của ban tổ chức LHP Việt Nam 16, từ ngày 20/11/2009 trang web chính thức (địa chỉ www.lienhoanphimvietnam.vn) đã hoạt động, còn thông tin từ tổng đạo diễn Lễ khai mạc, đạo diễn Đinh Anh Dũng, thì ngày 30/11 khai trương trang web này để cập nhật thông tin về LHP cũng như giới thiệu khái quát lịch sử những LHP trước đó.
Thế nhưng cho tới ngày 2/12, nếu truy cập vào trang web này vẫn nhận được thông tin: “Trang web đang trong thời gian khởi tạo! Xin quý khách quay lại lần sau”. Chẳng trách trong khi phim Việt Nam đã có mặt ở nhiều LHP quốc tế nhưng vào từ điển wikipedia tra danh sách các LHP trên thế giới tìm mỏi mắt không thấy có tên LHP Việt Nam. Trong khi ấy, nước láng giềng Thái Lan có tới 3 LHP nằm trong danh sách này, đảo quốc Singapore bé tí ti cũng chiếm 3 vị trí trong danh sách nói trên.
Vé
Thông thường, tại các LHP quốc tế, vé được bán (trừ lễ khai mạc và bế mạc chỉ dùng vé mời). Riêng LHP Việt Nam từ trước tới nay, vé xem phim đều được phát miễn phí cho khán giả. Tại LHP Việt Nam 16 cũng vậy. Hơn cả thế, những khán giả xem phim miễn phí này sẽ bỏ phiếu bầu chọn Phim được khán giả yêu thích nhất của LHP!
Một đạo diễn cho hay, anh chỉ quan tâm tới khán giả bỏ tiền mua vé. Đây chắc chắn không phải chỉ là quan điểm của một người làm phim mà là vấn đề sống còn của nền công nghiệp điện ảnh toàn thế giới. Không có khán giả mua vé, nền công nghiệp điện ảnh sẽ phá sản.
Phim ít khán giả, không thu hồi được vốn thì nhà đầu tư cũng “tạm biệt” đạo diễn luôn. Chừng nào nền điện ảnh không hướng tới khán giả mua vé, chừng ấy nó còn phải sống tầm gửi vào bao cấp. Điện ảnh Việt Nam và thị trường chiếu bóng Việt Nam đang nỗ lực bước ra khỏi bóng râm bao cấp ấy để hòa nhập với dòng chảy chung của điện ảnh và thị trường chiếu bóng thế giới.
Hiện tại, thị trường chiếu bóng Việt Nam đang được xem là một thị trường tiềm năng và có sự phát triển nhanh trong khu vực, do đó hàng loạt các phim “bom tấn” nước ngoài đã đổ bộ vào Việt Nam gần như cùng thời điểm với các thị trường lớn khác, kể cả thị trường Mỹ; đại diện Việt Nam được mời tham gia sự kiện ra mắt phim khu vực và toàn cầu - điều chưa từng có trước đây.
Điện ảnh Việt Nam cũng đã tạo được một mùa phim Tết với doanh thu lên tới hàng chục tỷ đồng ! Duy có LHP Việt Nam vẫn còn giữ “truyền thống” cho khán giả tiếp tục đứng trong bóng râm bao cấp của vé mời. Hiển nhiên, khán giả bỏ tiền mua vé xem phim không giống loại khán giả xem phim miễn phí. Và Phim được khán giả (thực sự) yêu thích không biết có giống Phim được khán giả vào xem miễn phí bình chọn?
Theo Thu Thủy (TT & VH)