Sáng 10-8, thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ làm bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên với 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học.
Thầy Lê Tấn Hậu, Tổ trưởng chuyên môn môn Vật lý, trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức đã chia sẻ một số “bí kíp” khi làm bài.
Đề thi tốt nghiệp THPT luôn chia làm 3 phần rõ rệt để thí sinh dễ dàng làm bài
- Phần thứ nhất từ câu 1 đến câu 20, đây là phần nhận biết và thông hiểu. Các câu hỏi trong phần thi này rất dễ. Học sinh trung bình vẫn có thể hoàn thành tốt. Tuy nhiên ở phần thi này, thí sinh phải cẩn thận đọc kỹ để không nhầm lẩn kiến thức, cũng như phải thực hiện việc đổi đơn vị để không bị rơi vào đáp án bẫy. Nói chung phần thi này chỉ cần học thuộc kiến thức cơ bản thì các thí sinh dễ đàng lấy được 5/10 điểm.
- Phần thứ hai của đề thi từ câu 21 đến câu 30 là phần vận dụng kiến thức ở mức độ 1. Trong phần này, thí sinh phải vận dụng các phép tính toán học vào để giải, vì vậy trong phần này các bạn đọc kỹ các dữ liệu đề bài để hiểu được hiện tượng vật lý, từ đó chọn phương án giải nhanh nhất để giải.
- Phần ba trong đề thi từ câu 31 đến câu 40 là phần vận dụng mức độ 2 và 3. Các câu hỏi trong phần này ở mức độ khó và rất khó.
Thông thường phần này hỏi về các vấn đề cực trị của dòng điện, các hiện tượng vật lý được mô tả qua nhiều trạng thái và đồ thị. Chính vì vậy các thí sinh khi thực hiện làm bài phần này phải là các bạn học khá và giỏi.
Khi thực hiện phần bài thi này, thí sinh cần phải có kiến thức về cực trị cơ bản của dòng điện xoay chiều, kết hợp vơi dữ kiện đề bài để suy ra.
Đối với các bài hỏi về hiện tượng vật lý, thí sinh phải tóm tắt lại để tìm được sự liên hệ giữa các trạng thái vật lý.
Còn đối với bài toán đồ thị thì các thí sinh phải chú ý các điểm sau: lập được hàm số cho đồ thị, nhận xét được các điểm được chấm đen trên đồ thị để lấy được số liệu và các đỉnh cực trị cũng như các đường tiệm cận của nó. Ở phần thi này thí sinh phải hội tủ 3 yếu tố (3K) kiến thức - kinh nghiệm - kỹ năng.