Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 10-8. Hiện nay, các địa phương cơ bản đã hoàn thành công tác chuẩn bị cho kỳ thi.
Bố trí sẵn các phòng thi dự phòng
Để đảm bảo an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, chiều 6-8, UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn.
Theo đó, thí sinh phải thực hiện khai báo y tế, lịch sử di chuyển, lịch sử tiếp xúc theo quy định; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; nếu có dấu hiệu dịch tễ cần phải báo với gia đình và đi khám ngay. Thí sinh diện F1, F2 sẽ tham gia thi vào đợt 2.
Khi tham gia kỳ thi, thí sinh phải đo thân nhiệt trước khi đến điểm thi, thường xuyên rửa tay khi ra vào phòng thi, đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển và trong thời gian ở tại điểm thi (trước khi bắt đầu làm bài và sau khi hoàn thành bài thi).
Trong các buổi thi, những thí sinh có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải được thi riêng ở phòng thi dự phòng và được cơ sở y tế địa phương điều tra dịch tễ ngay sau buổi thi đó.
Đối với người làm công tác thi, phải thực hiện khai báo y tế, chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng tránh dịch. Các nhân sự thuộc diện F1, F2 (nếu có) không tham gia công tác thi.
Trường hợp phát hiện thí sinh có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, phải nhanh chóng bố trí thi tại phòng thi dự phòng, sắp xếp nhân sự coi thi đảm bảo đúng quy chế, báo cáo về hội đồng thi và khẩn trương thông báo cho cơ sở y tế gần nhất để phối hợp điều tra dịch tễ ngay sau buổi thi đó.
Sở Y tế phải nhanh chóng rà soát, lập danh sách thí sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia kỳ thi thuộc F0, F1, F2 (nếu có).
Về Sở GD&ĐT, căn cứ danh sách các đối tượng F0, F1, F2 (do Sở Y tế cung cấp) để khẩn trương phân loại, tổ chức thực hiện theo quy định. Chuẩn bị nhân sự dự phòng, sẵn sàng thay thế khi có tình huống xấu.
Tại tỉnh Đắk Lắk, kỳ thi diễn ra trong bối cảnh dịch chồng dịch, toàn tỉnh đang phòng, chống dịch bạch hầu thì mới đây TP Buôn Ma Thuột đã ghi nhận ba ca nhiễm dịch COVID-19. TP thực hiện giãn cách từ 0 giờ ngày 3-8.
Trước tình hình trên, ngày 6-8, Sở GD&ĐT vừa có văn bản về kế hoạch tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn. Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sẽ được tổ chức làm hai đợt.
Các thí sinh của 23 điểm thi trên địa bàn 14 huyện, thị xã sẽ thi đợt 1 từ ngày 8 đến 10-8. Các thí sinh được xác định thuộc diện F1, F2 và thí sinh tại chín điểm thi trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột sẽ thi đợt 2.
Trường THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình, TP.HCM) bố trí một phòng cách ly phục vụ kỳ thi. Ảnh: NGUYỆT NHI
Các trường đại học lên đường làm nhiệm vụ
Sáng 7-8, 40 cán bộ, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM đã chính thức ra quân đến Hội đồng thi tỉnh Sóc Trăng làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi.
Theo nhà trường, trường mới tổ chức tập huấn và làm bài kiểm tra năng lực cho đội ngũ này chỉ trước đó ba ngày.
PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường chuẩn bị đầy đủ bộ tài liệu gồm các quy định về quy chế của kỳ thi, các kỹ năng cần thiết để xử lý trong những tình huống cụ thể cho cán bộ tham gia làm nhiệm vụ. Ngoài ra, trường cũng chuẩn bị kỹ các phương án đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Cán bộ, giảng viên sẽ làm nhiệm vụ kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tham gia tập huấn. Ảnh: NTCC
Trưa 6-8, đoàn cán bộ, giảng viên với khoảng 80 người của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã bắt đầu lên xe đi đến tỉnh Gia Lai để làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra. Đây cũng là địa bàn mà nhóm 45 cán bộ, giảng viên của Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM đến làm nhiệm vụ.
Bộ GD&ĐT đã huy động 130 trường đại học với hơn 7.000 cán bộ, giảng viên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra tại 63 tỉnh, thành. Trong đó có 6.520 người chính thức và 490 người dự phòng. |
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Gia Lai là địa bàn mà trường vừa được điều chuyển từ tỉnh Đắk Lắk sang nên gặp không ít khó khăn trong kế hoạch di chuyển. Nhiều cán bộ phải hủy vé máy bay theo lộ trình cũ để chuyển sang đi ô tô.
Ông Dũng cũng cho biết do thời điểm này tại Gia Lai đang có dịch bạch hầu. Đây là địa bàn rộng, phức tạp nên trường hỗ trợ mỗi cán bộ, giảng viên 1,6 triệu đồng để đi lại cũng như chích ngừa bạch hầu.
Năm nay, Trường ĐH Bách khoa được phân công phụ trách thanh tra, kiểm tra tại địa bàn TP.HCM. Do địa bàn rộng với nhiều điểm thi nên trường đã cử hơn 160 cán bộ tham gia. Đây cũng là một trong ba đơn vị thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM có số thành viên tham gia công tác này đông nhất tại TP.HCM. Hai đơn vị còn lại là Trường ĐH Khoa học tự nhiên và Trường ĐH KHXH&NV.
Theo nhà trường, tất cả cán bộ đã được sàng lọc, lựa chọn kỹ lưỡng, có chuyên môn và phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao.
Trước đó, để chuẩn bị, ngày 5-8, trường đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ đợt 2 cho các cán bộ, giảng viên của trường. Sau buổi tập huấn, 100% cán bộ tham gia đã hoàn thành bài kiểm tra nghiệp vụ và đạt yêu cầu để sẵn sàng đến các điểm thi tại TP.HCM làm nhiệm vụ.
Nhiều trường đại học khác cũng đã sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ tại hội đồng thi của các địa phương.
Thí sinh thi đợt 2 sẽ được tuyển sinh ra sao? Ngày 6-8, Bộ GD&ĐT có công văn gửi các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng tuyển sinh ngành giáo dục mầm non (gọi tắt là các trường) về công tác tuyển sinh 2020 trong tình hình dịch COVID-19. Bộ GD&ĐT cho biết các thí sinh thuộc diện F1, F2 và thí sinh ở các địa phương phải thực hiện cách ly xã hội sẽ tham dự kỳ thi đợt sau vào thời điểm thích hợp. Bộ GD&ĐT đề nghị các trường nâng cao tinh thần trách nhiệm, cùng chia sẻ để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đồng thời điều chỉnh và thực hiện công tác tuyển sinh phù hợp. Cụ thể, đối với các thí sinh đăng ký xét tuyển bằng các phương thức không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, căn cứ kế hoạch tuyển sinh của trường và hồ sơ của thí sinh đăng ký xét tuyển, các trường công bố công khai điều kiện trúng tuyển vào trường theo các phương thức này để thí sinh nhập học khi được công nhận tốt nghiệp THPT. Việc này nhằm đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh chưa tham dự kỳ thi trong các ngày từ 8 đến 10-8. Cùng với đó, các trường xem xét phân bổ tỉ lệ chỉ tiêu hợp lý và xét tuyển riêng cho các thí sinh thuộc diện phải thi đợt 2, dựa vào ba tỉ lệ. Thứ nhất là tỉ lệ nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh thuộc địa phương so với tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh trên cả nước vào trường năm 2020. Thứ hai là tỉ lệ thí sinh trúng tuyển của địa phương so với số lượng thí sinh trúng tuyển trên cả nước vào trường năm 2019. Thứ ba là tỉ lệ thí sinh trúng tuyển của địa phương so với số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển của địa phương vào trường trong năm 2019. Điểm trúng tuyển của thí sinh tham dự kỳ thi đợt sau phải đảm bảo không thấp hơn điểm trúng tuyển của thí sinh tham dự kỳ thi trong các ngày từ 8 đến 10-8. Đối với các trường tổ chức kiểm tra năng khiếu hoặc thi tuyển sinh riêng, Bộ GD&ĐT yêu cầu căn cứ tình hình diễn biến của dịch COVID-19 xem xét, điều chỉnh kế hoạch tổ chức thi và tuyển sinh cho phù hợp. |