Với Luật Nhà ở 2014, điều kiện để người Việt Nam (VN) định cư ở nước ngoài (gọi tắt là Việt kiều) được sở hữu nhà ở tại VN có nhiều thay đổi theo hướng cởi mở, thông thoáng hơn.
Không cần tạm trú, thường trú tại nơi có nhà
Điều 8 Luật Nhà ở 2014 quy định hai điều kiện để Việt kiều được công nhận sở hữu nhà ở tại VN. Đầu tiên, Việt kiều phải được phép nhập cảnh vào VN. Kế tiếp, Việt kiều phải có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức theo quy định. Chẳng hạn, thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định.
Các hợp đồng về nhà ở nêu trên phải được công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng (trừ trường hợp bên bán là tổ chức có chức năng kinh doanh nhà ở). Ngoài ra, để thực hiện giao dịch về nhà ở, những Việt kiều hội đủ hai điều kiện nêu trên phải có đủ năng lực hành vi dân sự và không bắt buộc phải có đăng ký tạm trú hoặc đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch.
Điều kiện để Việt kiều được sở hữu nhà ở tại Việt Nam ngày càng thông thoáng hơn. Ảnh: HTD
Giấy tờ chứng minh
Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 99/2015 (hướng dẫn Luật Nhà ở), khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở tại VN, Việt kiều phải có giấy tờ sau đây:
Trường hợp mang hộ chiếu VN thì phải còn giá trị và có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh VN vào hộ chiếu.
Trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài thì phải còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh VN vào hộ chiếu và kèm theo giấy tờ chứng minh còn quốc tịch VN. Hoặc Việt kiều phải có giấy tờ xác nhận là người gốc VN do Sở Tư pháp cấp tỉnh, cơ quan đại diện VN ở nước ngoài, cơ quan quản lý về người VN ở nước ngoài cấp hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật VN.
Quyền của chủ sở hữu nhà
Về thời hạn sở hữu nhà: Ổn định, lâu dài như công dân VN. Về số lượng nhà: Không hạn chế số lượng sở hữu nhà. Thêm một lưu ý mà chủ sở hữu nhà ở là Việt kiều cần biết, đó là các quyền về sở hữu nhà. Ngoài việc được cấp giấy chứng nhận đối với nhà ở hợp pháp của mình, Việt kiều có quyền bất khả xâm phạm về nhà ở, được sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và các mục đích khác mà luật không cấm...
Đối với nhà chung cư, Việt kiều có quyền sở hữu, sử dụng chung đối với phần sở hữu chung của nhà chung cư và các công trình hạ tầng sử dụng chung của khu nhà chung cư đó (trừ các công trình được xây dựng để kinh doanh hoặc phải bàn giao cho Nhà nước theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua nhà ở).
Tương tự như người trong nước, Việt kiều được quyền bán, chuyển nhượng hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở. Tuy nhiên, nếu tặng cho, để thừa kế nhà ở cho những người không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại VN thì những người ấy chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó.
Giấy tờ làm căn cứ xác định quốc tịch Việt Nam Giấy tờ về hộ tịch, quốc tịch, hộ khẩu, căn cước hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền của VN cấp cho công dân VN qua các thời kỳ từ năm 1945 đến trước ngày 1-7-2009, trong đó có ghi rõ quốc tịch VN hoặc thông tin liên quan đến quốc tịch VN. Giấy tờ về hộ tịch, quốc tịch, hộ khẩu, căn cước hoặc giấy tờ khác do chế độ cũ cấp trước ngày 30-4-1975 ở miền Nam VN hoặc do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, trong đó có thông tin liên quan đến quốc tịch VN cũng được coi là cơ sở tham khảo để xem xét, xác định quốc tịch VN. (Theo khoản 2 Điều 19 Nghị định 97/2014 hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch) |