Ba người làm mất điện cả miền Nam

Ngày 23-5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương cho biết đang phối hợp với các đơn vị liên quan thống kê thiệt hại cụ thể từ vụ mất điện toàn miền Nam để củng cố hồ sơ khởi tố vụ án.

Đến nay đã xác định được ba đối tượng trực tiếp gây ra sự cố nghiêm trọng này. Đó là tài xế Ngô Tấn Thảo (quê Trà Cú, Trà Vinh), phụ xe Nguyễn Trung Thành (quê TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) và người trông giữ vườn ươm cây dầu Huỳnh Văn Hiền (quê Đồng Tháp).

Qua xác minh ban đầu, cả ba người trên đều làm thuê cho Công ty Cây xanh Becamex Bình Dương - đơn vị chủ quản khu vườn ươm cây dầu nằm sát bên đường điện 500 kV. Việc cây dầu dài 17,5 m (không phải 10 m như thông tin ban đầu) xâm hại đường dây điện 500 kV là do ba người trên bất cẩn gây ra, không liên quan đến Công ty Cây xanh Becamex.

Theo cơ quan điều tra, vụ việc xảy ra ngoài ý muốn nhưng đã gây thiệt hại nặng về kinh tế, xâm hại đến công trình lưới điện mang tính an ninh quốc gia. Tuy nhiên, cả ba người trực tiếp gây ra sự cố đều đi làm thuê, thu nhập thấp nên khó có khả năng bồi thường thiệt hại cho phía điện lực. Hiện cả ba người chưa bị tạm giữ.

Ba người làm mất điện cả miền Nam ảnh 1

Vườn ươm cây dầu nằm ngoài hành lang an toàn của đường dây 500 kV nhưng việc vận chuyển cây vẫn có thể gây ra sự cố tương tự ngày 22-5. Ảnh: TH

Sáng 23-5, có mặt tại hiện trường, chúng tôi thấy các hoạt động vận chuyển cây xanh tại vườn ươm cây dầu vẫn diễn ra bình thường. Theo ông Trịnh Đình Chính, Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện miền Đông 1, vườn ươm này nằm cách đường dây 500 kV Di Linh - Tân Định 14 m, trong khi hành lang an toàn theo quy định là 7 m.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận lo ngại là dù vườn ươm nằm ngoài hành lang bảo vệ nhưng hoạt động vận chuyển cây có khả năng tiếp tục gây ra sự cố. Lo ngại này hoàn toàn có cơ sở, bởi thời điểm xảy ra sự cố trên xe cẩu có tới 13 cây dầu đều cao trung bình 17 m. Hiện khu vườn ươm cũng có hàng ngàn cây dầu cao bình quân hơn 10 m. Đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa có ý kiến về vấn đề này.

Chiều 23-5, EVN thông báo: Sự cố đường dây 500 kV ngày 22-5 gây nhảy tất cả các tổ máy phát điện trong hệ thống điện miền Nam (gồm 15 nhà máy với 43 tổ máy tổng công suất 7.300 MW), dẫn tới miền Nam mất điện toàn bộ (khoảng 9.400 MW). Đến 16 giờ ngày 23-5, tổng công suất nguồn điện khu vực phía Nam chưa khôi phục được là 1.100 MW, gồm tổ máy GT1 Nhà máy điện Phú Mỹ 1 và toàn bộ Nhà máy điện Phú Mỹ 3. EVN đang nỗ lực xử lý.

Vẫn còn nguy cơ tái diễn sự cố mất điện

. Vì sao đã có quy định khắt khe về an toàn lưới điện nhưng sự cố vẫn xảy ra?

+ Ông Vũ Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia: Nghị định 106/2005 về an toàn lưới điện cao áp đã quy định rất rõ về hành lang an toàn điện. Với đường dây 500 kV, khoảng cách này là 7 m tính từ dây ngoài cùng. Với sự cố ngày 22-5, vị trí cây dầu thuộc vùng an toàn nhưng khi cây đó được nhấc lên thì chạm vào hành lang an toàn.

. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có yêu cầu người gây ra sự cố bồi thường thiệt hại không? Cùng đó, EVN sẽ hỗ trợ ra sao với khách hàng theo Luật Điện lực?

+ Đây là sự cố bất khả kháng, trách nhiệm trước hết của ngành điện là phải khôi phục phụ tải điện. Bản thân EVN cũng bị thiệt hại về nhà máy điện, thiết bị sửa chữa, tuabin, lò hơi ngừng đột ngột… Sự cố này có thể sẽ ảnh hưởng đến lương, thưởng của nhân viên ngành điện.

Theo nguyên tắc, chỉ khi người gây ra thiệt hại bồi thường cho EVN thì chúng tôi mới có thể hỗ trợ cho khách hàng.

. Theo ông, thời gian tới có xảy ra sự cố tương tự hay không?

+ Hiện việc cung ứng điện cho miền Nam phụ thuộc rất lớn vào đường dây 500 kV. Đường dây này đi qua nhiều tỉnh nên khi một cột gặp sự cố thì cả tuyến bị ảnh hưởng. Thời gian tới, nếu không làm tốt quy hoạch truyền tải và giải phóng mặt bằng các điểm vi phạm hành lang an toàn, những trường hợp tương tự vẫn có thể xảy ra.

. Xin cảm ơn ông.

TRÀ PHƯƠNG thực hiện

Campuchia mất điện vì sự cố tại Việt Nam

Tối 22-5, khi 22 tỉnh, thành ở Việt Nam bị mất điện vì xe cẩu gây sự cố với đường dây 500 kV, thủ đô Phnom Penh (Campuchia) cũng chịu chung hoàn cảnh. Một quan chức cơ quan điện lực quốc gia nước này cho biết việc mất điện ở Phnom Penh có nguyên nhân từ sự cố tại Việt Nam (hiện 40% lượng điện của nước này là do Việt Nam cung cấp, trong đó đường dây 500 kV là một trong những nguồn cấp điện chính cho Campuchia). Do sự cố nêu trên, cơ quan điều độ Campuchia chỉ có thể cung cấp điện cho các khu vực quan trọng trong TP.

Theo báo chí Campuchia, từ 14 giờ ngày 22-5, việc mất điện khiến sinh hoạt của người dân tại nhiều khu vực ở Phnom Penh bị đảo lộn. Người dân phải sống trong cảnh không điện, không nước do hệ thống cung cấp nước ngừng hoạt động. Đến khoảng 20 giờ Phnom Penh mới có điện. Phải 30 phút sau, hệ thống máy bơm mới hoạt động và TP này được cung cấp nước trở lại.

BX (Theo VNE)

VÕ TÙNG - TƯỞNG HÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm