Bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt, Ekip livestream có là đồng phạm?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam vừa bị khởi tố và bắt tạm giam về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Sau khi bà Hằng bị bắt, câu hỏi được nhiều người đặt ra là liệu các cá nhân liên quan đến chuỗi livestream của nữ bị can này có bị liên đới chịu trách nhiệm hình sự hay không?

Bà Hằng có sự giúp sức của ekip

Dễ nhận thấy, trong phần lớn các buổi livestream của bà Phương Hằng đều có ekip đứng sau. Trong đó, có nhiều cá nhân xuất hiện cùng bà Hằng thể hiện mình là người am tường pháp luật.

Bị can Nguyễn Phương Hằng tại công an tối 24-3. Ảnh: CACC

Trao đổi cùng Pháp luật TP.HCM, Tiến sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định: Hành vi vi phạm của bà Nguyễn Phương Hằng không chỉ do riêng bà thực hiện.

“Trong quá trình thực hiện livestream suốt hai năm qua, có rất nhiều thông tin về tài khoản ngân hàng, thông tin về đời tư cá nhân của nhiều cá nhân, tổ chức đã bị nhóm bà Hằng thu thập, sử dụng trái phép, đưa lên mạng xã hội. Điều này cho thấy đã có nhiều cá nhân giúp sức cho bà Nguyễn Phương Hằng”, TS-LS Cường nói.

Quá trình giải quyết, cơ quan điều tra sẽ làm rõ từng buổi phát trực tiếp trên mạng xã hội, hoạt động thu thập thông tin trái phép, đưa tiền trái phép, những ngôn ngữ, hành động mà nhóm người này đã thực hiện trong suốt thời gian qua để làm căn cứ giải quyết triệt để vụ án này.

Có thể khởi tố thêm nhiều bị can

Với nhận định trên, Luật sư Cường cho rằng ngoài việc xử lý với bà Nguyễn Phương Hằng thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ hành vi của các đồng phạm khác.

Và rất có thể cơ quan điều tra sẽ khởi tố đối với nhiều bị can, về nhiều tội danh khác nhau trong đó, tội lợi dụng quyền tự do dân chủ chỉ là khởi đầu của vụ án.

Bởi pháp luật đã quy định rất rõ ràng, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý. Người nào vi phạm và xúi giục kích động người khác cùng thực hiện hành vi vi phạm thì sẽ được xác định là người chủ mưu cầm đầu. Những người có cùng ý chí thực hiện hành vi tội phạm sẽ được xác định là đồng phạm.

Ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng "Lò Vôi"), chồng bà Nguyễn Phương Hằng bước ra từ ô tô biển số xanh, đi vào căn nhà ở đường Nguyễn Thông tối 24-3. Ảnh: N.Y

Chính vì lẽ đó, vụ án này cần phải điều tra, xử lý toàn diện, đúng pháp luật thì mới đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

Theo LS Cường, để buộc tội đối với bà Phương Hằng và các cá nhân nghi giúp sức, hỗ trợ cho bà Hằng thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi vi phạm pháp luật diễn ra khi nào, bằng phương tiện công cụ gì, chứng cứ ra sao.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy những người liên quan đã có hành vi xúi giục, giúp sức hoặc cùng bà Hằng trực tiếp thực hiện hành vi vi phạm thì những người này cũng sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Đồng quan điểm trên, LS Lê Văn Hoan - Đoàn Luật sư TP.HCM cũng cho rằng trong quá trình điều tra, CQĐT nếu chứng minh được rằng có người giúp sức tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm thì những người này cũng bị xử lý hình sự với vai trò là đồng phạm theo quy định tại Điều 17 BLHS.

Nếu CQĐT chứng minh được những người này trước khi thực hiện hành vi phạm tội có sự góp sức, bàn bạc, phân công vai trò của từng người thì đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

 

Các đồng phạm sẽ liên đới trách nhiệm hình sự

Điều 17 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định: Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Về xem xét trách nhiệm hình sự, các động phạm sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm hình sự tùy vào vai trò, mức độ tham gia tội phạm.  Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.

Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, tòa án phải xét tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào thì chỉ áp dụng đối với người đó.

Bà Phương Hằng bị khởi tố theo Điều 331 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với mức hình phạt là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Trường hợp hành vi phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Như vậy, vụ án này có đồng phạm thì các đồng phạm cũng sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự với mức hình phạt trên.

LS Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm