Bà Nguyễn Thị Hoài Thu: “Tôi để tang cho Fidel“

Như chúng tôi đã đưa tin, lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã qua đời ở tuổi 90 vào lúc 22 giờ 29 phút ngày 25-11 (theo giờ Cuba). Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với nhân dân Cuba cũng như phong trào cánh tả trên toàn thế giới.

Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu bài viết của bà Nguyễn Thị Hoài Thu - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân nguyện và Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.Bà Hoài Thu chính là người may mắn được gặp ông Fidel Castro hai lần.

***

Chưa bao giờ tôi dám ước mơ được gặp lãnh tụ Cuba Fidel Castro, bởi vì đất nước Cuba cách chúng ta đến nửa vòng Trái đất – quá xa. Ông ấy là một lãnh tụ, một người mà tôi nghe nói là ngủ rất ít, phần lớn thời gian trong ngày ông dành cho công việc.

Nhìn hình ảnh Fidel ôm thân thiết cô Ba Định - một nữ tướng Việt Nam, chụp ảnh với Võ Thị Thắng - một nụ cười chiến thắng luôn nở trên môi. Có một ngôi trường mang tên Võ Thị Thắng tại thủ đô La Habana, đó là những gì tôi nghe thấy.

Tuy nhiên, là người con của quê hương Tiền Giang, tôi tự hào về chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút của Quang Trung - Nguyễn Huệ, của Trương Công Định, Thủ Khoa Huân, của Nam Kỳ khởi nghĩa ở Long Hưng… và tự hào hơn là người con của Ấp Bắc anh hùng.

Chiến thắng Ấp Bắc ngày 2-1-1963 bẻ gãy chiến thuật trực thăng vận và thiết xa vận của Mỹ, làm cho bọn đầu sỏ Mỹ ở Lầu Năm Góc phải thay đổi chiến lược chiến tranh từ “đặc biệt” sang “cục bộ”.

Tiếng vang của trận đánh vang dội sang châu Mỹ Latin. Từ đó Tiểu đoàn 261 chủ lực quân nòng cốt trận Ấp Bắc được kết nghĩa với Cuba và vinh dự mang tên Hiron (tiểu đoàn Giron).

Đường xa bỗng xích lại gần. Hình ảnh Bác Hồ xem sơ đồ trận đánh Ấp Bắc và màu áo ôliu quân phục của Fidel hằn sâu trong tâm trí của chiến sĩ Tiểu đoàn 261.

Về sau, trong những năm 1980, là phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, tôi nhiều lần đưa đại sứ Cuba, lãnh tụ Cuba tại TP.HCM về thăm Ấp Bắc, thăm Long Hưng. Đó là những lần tôi được tiếp xúc với anh em người Cuba - con em của Fidel.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu trong một lần được gặp Chủ tịch Cuba Fidel Castro. Ảnh do nhân vật cung cấp

May sao, khi về chuyên trách công tác ở Quốc hội, nhiệm kỳ 2002-2007 là ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, tôi cùng các đồng chí xây dựng chương trình và xin phép được đi nghiên cứu học tập kinh nghiệm về chăm sóc sức khỏe, phòng chống HIV/AIDS ở một số nước thuộc châu Mỹ Latin.

Từ Brazil đến Cuba, hành trình rất vất vả, phải bay qua nhiều vùng lãnh thổ. Khi đặt chân đến nơi mình chưa từng dám mơ ước, chúng tôi cũng chưa dám đề nghị gặp Fidel.

Thế nhưng không bao lâu sau, tháng 2-2003, Fidel sang thăm Việt Nam. Đón Fidel là Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Ông đến thăm Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi đã hân hạnh được gặp ông lần đầu bằng xương bằng thịt.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cùng Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp ông và chụp ảnh lưu niệm tại phòng A1 - Văn phòng Quốc hội, số 35 Ngô Quyền, Hà Nội. Đứng bên Fidel tôi thấy mình vinh dự quá, chắc khó có điều kiện được bắt tay ông lần thứ hai.

Dịp may nối tiếp dịp may. Đó là đầu tháng 3-2006, chiếc chuyên cơ đưa Chủ tịch Quốc hội cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam và một số doanh nhân đi thăm các nước Mỹ Latin, trong đó có Cuba.

Lúc này sức khỏe của ông đã có phần giảm sút vì bệnh tật nhưng ông vẫn rất vui, đón đoàn chúng tôi tại nơi làm việc. Fidel chưa cho giờ gặp, chỉ biết là buổi tối.

Tôi hăm hở thay áo quần tươm tất, ngắm nghía đi tới đi lui nhìn đồng hồ, gần 21 giờ đêm mà vẫn chưa có cuộc gọi. Nghĩ rằng buổi gặp được dời lại nên tôi thay đồ. Không lâu sau thì Chủ tịch gọi “Fidel mời”. Tôi vội vã không kịp mặc áo dài mà lấy vội bộ vest trắng, nhanh chân lên xe.

Hóa ra ông ấy vừa tiễn một đoàn khách quan trọng trước đó. Ra tận cửa đón chúng tôi, Fidel không xã giao, không trà bánh, ông vào đề ngay: “Các đồng chí đi xa có mệt không? Quen thời tiết, khí hậu và thời gian chưa?”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An giới thiệu tôi là nữ du kích miền Nam.

Xong màn chào hỏi, Fidel bắt đầu nói về Cuba, về cách mạng và xây dựng Cuba trong điều kiện bị bao vây, cấm vận. Fidel hỏi về Việt Nam và chăm chú lắng nghe những đổi mới của nước ta. "Đổi mới mà không đổi màu, hội nhập mà không hòa tan" - Fidel rất chú ý đến điều này.

Khoảng hai giờ đồng hồ ngồi ở bộ bàn ghế đơn sơ, có thể nói không phải kiểu trang trí tiếp khách quốc tế mà là rất thân tình. Fidel bắt đầu dẫn chúng tôi sang hai phòng nữa, mà hai phòng đó toàn là sản vật do chính người Cuba sản xuất như chiếc quạt, cái máy đánh chữ, tủ lạnh… Đó là niềm tự hào của Cuba và chúng tôi rất đồng cảm, họ vẫn luôn tự sản xuất nuôi sống mình.

Khi tiễn chúng tôi ra về lúc gần 12 đêm, Fidel nói : “Các đồng chí về, tôi còn tiếp mấy người khách ở Brazil nữa”.

Có một câu chuyện rất là vui trong cuộc nói chuyện giữa chúng tôi với Fidel. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nói về dân chủ trong Quốc hội ở Việt Nam: “Trong Thường vụ Quốc hội chúng tôi có 13 người, có hai nữ, đây là một nữ (ông Nguyễn Văn An chỉ tay vào bà Hoài Thu), còn một nữ nữa ở nhà. Ở nhà tôi rất sợ bà xã của tôi, còn ở Quốc hội tôi rất sợ hai bà - một bà ngồi ở tay phải và một bà ngồi ở phía tay trái”.

Lúc đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An vịn lên vai tôi và nói với Fidel: “Khi thông qua hay thảo luận vấn đề gì, tôi nhìn bên trái thấy bà ấy gật, bên phải cũng gật là tôi gật”.

Lúc đó tôi mới cười, nói với ông Nguyễn Văn An: “Chủ tịch nói vậy sao Fidel hiểu được”, thế nhưng sau một phút suy nghĩ, ông Fidel phá ra cười. Tiếng cười vô cùng sảng khoái. Lúc đó tôi mới thấy hết sự gần gũi như anh em trong một nhà, tình cảm anh em của Fidel đối với Việt Nam.

Trong dịp đó các đại biểu được tặng quà, riêng tôi được tặng thêm một bó hoa do đích thân Fidel tặng. Tôi đã mang bó hoa đi nửa vòng Trái đất, đem về trưng trong phòng làm việc tại Hà Nội. Tôi chăm chút rất kỹ nên bó hoa ấy đã tươi rất lâu.

***

Tôi không nghĩ rằng đó lại là cuộc gặp gỡ sau cùng với Fidel Castro. Năm nay là đúng 10 năm ngày tôi gặp Fidel, ngày ông ra đi cũng đúng ngày sinh nhật của tôi.

Có lẽ tôi sẽ nhớ mãi đến suốt đời cuộc gặp gỡ với Fidel - một người ở rất xa, khác dân tộc nhưng luôn luôn yêu mến Việt Nam trong bất cứ hoàn cảnh nào. Những ngày quốc tang ở Cuba và một số nước ở châu Mỹ Latin, trong lòng mình, tôi để tang cho Fidel.

Nguyễn Thị Hoài Thu - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân nguyện và chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm