“Tình cảm mà Chủ tịch Fidel Castro và nhân dân Cuba dành cho Việt Nam bắt nguồn từ vận mệnh lịch sử của hai nước. Cách trở nửa vòng Trái đất nhưng tình cảm ấy là thiêng liêng, chân thành, trong sáng, là ân nghĩa không bao giờ phai mờ”. Ông Nguyễn Duy Cương, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM khi nghe tin nhà cách mạng Cuba từ trần.
“Người đầu tiên báo tin Fidel mất là chị trưởng phân xã Prensa Latina - cơ quan thông tấn Cuba tại Hà Nội. Lúc ấy, bao nhiêu kỷ niệm về đất nước Cuba và vị chủ tịch đáng kính lại ùa về với tôi” - ông Cương kể.
“Hãy nhìn những người Việt Nam…”
Ông Cương nhớ lại những năm 1959-1961, những thông tin về cách mạng Cuba bên kia bán cầu dội về, rồi chiến thắng của nhân dân Cuba trong cuộc can thiệp của đế quốc Mỹ vào bãi biển Giron - sự kiện vịnh Con Lợn - là nguồn động viên to lớn cho nhân dân cả nước. Hình ảnh vị anh hùng Fidel Castro với điếu xì gà dõi mắt xa xăm mang lại bao cảm hứng cho lớp thanh niên trai trẻ. Ai cũng muốn một lần đặt chân tới đất nước Cuba anh hùng. May mắn ấy đến với ông năm 1962, khi nằm trong lứa sinh viên thứ hai được Nhà nước cử sang Cuba học tập, chuyên ngành văn học, lịch sử và ngôn ngữ Tây Ban Nha.
“Lần đầu gặp Fidel bằng xương, bằng thịt là khi chúng tôi sang được gần một năm” - ông kể. Lần ấy Fidel đến thăm trường trên chiếc xe Zip mui bạt. Sinh viên Cuba ào đến, ông trò chuyện sôi nổi, bỗng dừng lại hỏi: Có sinh viên nước ngoài ở đây không? Các bạn chỉ sang nhóm Việt Nam, ông tươi cười bước tới hỏi han. “Lần đầu tiên tiếp xúc trực tiếp, chúng tôi xúc động lắm. Nhớ mãi lời Fidel nói: Những sinh viên Việt Nam này sẽ gắn bó thêm quan hệ Cuba - Việt Nam. Mới đây thôi, gặp gỡ các đoàn Việt Nam còn phải phiên dịch từ tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Pháp, rồi tiếng Pháp sang tiếng Việt. Tới đây sẽ không còn phải bắc cầu vậy nữa”.
Lần gặp ấn tượng thứ hai là hai năm sau đó, trong một chuyến dã ngoại tới căn cứ cách mạng Cuba của đoàn thanh niên. Lần ấy, rất tình cờ, Fidel đi trực thăng tới, gặp gỡ ngắn với sinh viên. Chỉ sang đoàn lưu học sinh Việt Nam, ông biểu dương: “Hãy nhìn những người Việt Nam nhỏ bé. Chỉ nắm cơm trong tay, họ vẫn xuyên rừng ngày đêm đánh Mỹ”.
Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng Cuba Fidel Castro thăm căn cứ Tân Lâm và Dốc Miếu trên vành đai Mac Namara bị quân dân miền Nam phá hủy trong chuyến thăm vùng giải phóng miền Nam ngày 15-9-1973. Ảnh: Tư liệu TTXVN
“Với Việt Nam, chúng tôi hết lòng, kể cả máu của mình”
Cùng với việc lựa chọn con đường XHCN, cuối năm 1960, Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và các nước trong cùng hệ thống.
Bối cảnh cách mạng Việt Nam lúc ấy, nhất là sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Mỹ ngày càng can thiệp sâu, đưa quân ồ ạt vào miền Nam. “Ta tìm thấy khích lệ từ chiến thắng Giron, còn Cuba tìm thấy ở Việt Nam một người bạn trên tuyến đầu chống Mỹ. Ngay khi nhận tin chiến thắng Ấp Bắc 1963, Fidel đã cho xây dựng tượng đài Ấp Bắc đồng thời tặng lá cờ Giron cho Tiểu đoàn 261 của Mặt trận Dân tộc giải phóng, đơn vị đã ghi danh trận Ấp Bắc. Tiểu đoàn ấy được đổi tên là Tiểu đoàn Giron. Bãi biển Giron - địa danh chiến thắng của Cuba trong sự kiện vịnh Con Lợn, đánh dấu thất bại đầu tiên của Mỹ ở Tây bán cầu” - ông Cương kể.
Những năm ấy, ông Cương chứng kiến phong trào ủng hộ Việt Nam rộng khắp ở Cuba. Các ủy ban đoàn kết với Việt Nam được thành lập. Các cuộc mít-tinh liên tục được tổ chức, thu hút cả triệu người tham gia. Người dân Cuba nô nức quyên góp quần áo gửi sang Việt Nam. Cuba mở nhiều lớp đón học sinh Việt Nam sang… Cuba cũng giúp đỡ rất nhiều cho các cuộc vận động của Mặt trận tới các nước Mỹ Latinh.
Một ấn tượng khó phai là thời gian ấy trong nước vừa ra mắt cuốn Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc thì Cuba cũng biên dịch, xuất bản sang tiếng Tây Ban Nha tác phẩm này. Bạn còn chuyển thể sang kịch nói, phát trên Đài phát thanh Havana sau mỗi giờ ăn trưa. Đi đâu người dân cũng nói chuyện Việt Nam, chuyện Núp - “anh hùng miền núi”.
Khi Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân ra miền Bắc, ở thủ đô Havana, ngay mặt tiền rạp chiếu bóng lớn, một bảng điện tử được dựng lên, thống kê hằng ngày số lượng máy bay Mỹ bị Việt Nam bắn hạ. Ở các trường học còn có báo tường với nhiều tin, ảnh về cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam. Các ủy ban bảo vệ cách mạng ở Cuba cũng được đặt theo tên các anh hùng Việt Nam. Khi anh Nguyễn Văn Trỗi bị xử tử, tên anh được đặt ngay cho đường từ sân bay quốc tế Havana vào thủ đô… Mỗi chiến thắng, mỗi hy sinh của cách mạng Việt Nam đều là niềm hạnh phúc, là nỗi căm giận của người dân Cuba lúc ấy.
Từ Cuba, các phong trào ủng hộ Việt Nam lan tỏa mạnh mẽ sang các nước Mỹ Latinh. Với sự đài thọ, ủng hộ vật chất từ Cuba, các cơ quan ngoại giao của Việt Nam, của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đã có nhiều hoạt động kêu gọi sự ủng hộ của người dân châu Mỹ tới cuộc kháng chiến chính nghĩa trong nước.
“Trong một lần trò chuyện với nhân dân Cuba, Chủ tịch Fidel Castro nói: “Với Việt Nam, chúng tôi hết lòng, kể cả máu mình, nhân dân Cuba cũng sẵn sàng hy sinh…”” - ông Cương xúc động nhớ lại.
* * *
Cuộc trò chuyện của Pháp Luật TP.HCM bị gián đoạn bởi những cuộc điện thoại từ những người bạn Cuba gọi đến. Ông Cương cho biết trong ngày tới, Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba sẽ tổ chức một lễ truy điệu đặc biệt tưởng nhớ Chủ tịch Fidel Castro - biểu tượng cho mối quan hệ đồng chí sâu sắc, thủy chung Việt Nam - Cuba.
Chủ tịch Quốc hội sẽ dự lễ truy điệu Chủ tịch Fidel Castro Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 27-11 cho hay Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam dự lễ truy điệu nguyên Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba, lãnh tụ của nhân dân Cuba - Fidel Castro Ruz, từ ngày 28 đến 30-11. Chủ tịch Fidel Castro Ruz sinh ngày 13-8-1926 tại vùng Biran, tỉnh Oriente cũ, nay là tỉnh Holguín ở miền Đông Cuba. Ông đã lãnh đạo cách mạng thắng lợi, giành chính quyền tại Cuba ngày 1-1-1959. Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Cuba được chính thức thiết lập từ ngày 2-12-1960 do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel dày công gây dựng và vun đắp. Các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước tiếp bước cha anh không ngừng củng cố để phát triển, mở rộng mối quan hệ đoàn kết anh em, hợp tác toàn diện và tin cậy lẫn nhau giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Chủ tịch Fidel đã thăm chính thức Việt Nam ba lần vào tháng 9-1973, tháng 12-1995 và tháng 2-2003; là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên tới thăm vùng mới được giải phóng ở Quảng Trị vào tháng 9-1973. Chủ tịch Fidel Castro cũng là nguyên thủ quốc gia đi đầu trong phong trào quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong sự nghiệp tái thiết, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN sau này. Chủ tịch Fidel Castro đã được Đảng và Nhà nước ta trao tặng huân chương Sao Vàng vào năm 1982 và huân chương Hồ Chí Minh vào năm 1989. VIẾT THỊNH |