UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng vừa ban hành quyết định số 1122 công bố địa điểm tiếp nhận đổ chất nạo vét (phát sinh từ hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa) vào vị trí trên bờ và nhận chìm chất nạo vét ngoài biển thuộc phạm vi quản lý của tỉnh năm 2023.
Theo đó, có năm địa điểm tiếp nhận đổ chất nạo vét. Cụ thể, một vị trí tiếp nhận là khu A ở ngoài khơi biển Vũng Tàu và bốn vị trí trên bờ.
Tỉnh giao Sở GTVT công khai danh mục địa điểm; là đơn vị đầu mối tiếp nhận, giải quyết thủ tục chấp thuận vị trí đổ chất nạo vét trên bờ đối với hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.
Sở này sẽ chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, các địa phương thanh tra, kiểm tra công tác thu gom, vận chuyển vật chất nạo vét; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý vật chất nạo vét.
Sở TN&MT tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đăng ký đổ chất nạo vét trên bờ, nhận chìm chất nạo vét ngoài biển của các cá nhân, đơn vị có nhu cầu; căn cứ đặc điểm chất nạo vét và khả năng sử dụng chất nạo vét đối với từng khu vực, địa điểm, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chấp thuận từng trường hợp...
Các DN cảng biển khu vực Cái Mép-Thị Vải phải nạo vét trước bến để đảm bảo luồng tiếp nhận tàu. Ảnh: TK |
Các cơ quan chức năng khác và các địa phương chủ động phối hợp, giám sát, tình hình thực hiện, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh trong việc tiếp nhận vật chất nạo vét.
Đối với các đơn vị có nhu cầu đăng ký đổ chất nạo vét cần hoàn thiện đầy đủ các điều kiện; lập hồ sơ đăng ký đổ chất nạo vét trong đó xác định rõ khối lượng chất nạo vét cần đổ, thời gian thi công, biện pháp đảm bảo an toàn khi thi công, tính chất cơ lý của chất nạo vét để xem xét sự phù hợp so với nhu cầu của khu vực tiếp nhận...
Trường hợp sử dụng khối lượng nạo vét với mục đích để san lấp (được coi khối lượng nạo vét là khoáng sản) thì doanh nghiệp phải lập hồ sơ đăng ký khối lượng khoáng sản thu hồi với thành phần hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều 53 Nghị định số 158/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.
Doanh nghiệp phải thực hiện nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và nghĩa vụ liên quan.
Năm địa điểm tiếp nhận vật chất nạo vét
Ngoài biển là khu đổ tại vị trí ngoài khơi Vũng Tàu-khu A (theo quyết định số 44/2011/QĐ-UBND ngày 23-8-2011 của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Khối lượng tiếp nhận hiện khoảng 24,487 triệu m3, mục đích là đổ thải.
Bốn vị trí trên bờ, gồm: Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư số 1 Phước Hưng, huyện Long Điền với khối lượng tiếp nhận khoảng 1,3 triệu m3, mục đích là để san lấp; Khu đất cảng thủy nội địa TLC của công ty TNHH TLC Vũng Tàu do thị xã Phú Mỹ quản lý, khối lượng tiếp nhận san lấp khoảng 350.000m3.
Dự án Dịch vụ hậu cần cảng tại phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ của Công ty CP Tam Thắng, khối lượng tiếp nhận san lấp khoảng 1,6 triệu m3; Khu đất thuộc thửa đất số 02, tờ bản đồ số 50, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, khối lượng tiếp nhận đổ thải khoảng 186.000m3.