Thanh tra tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa có kết luận về dự án Khu du lịch (KDL) nghỉ dưỡng sinh thái Vên Vên - Hồ Cốc (Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu thuộc xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc - khu bảo tồn). Qua đó, thanh tra kiến nghị chuyển hồ sơ sang CQĐT để tiếp tục điều tra làm rõ.
Theo kết luận thanh tra, khu đất 2,44 ha của dự án KDL Vên Vên nguồn gốc là đất lâm nghiệp hiện do BQL khu bảo tồn quản lý (1,34 ha là đất rừng đặc dụng). Diện tích trên được giao khoán cho Công ty Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ (SXKDDV) Xuyên Mộc (tiền thân của Công ty Hương Phong hiện nay) quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (trong đó hơn 0,5 ha nằm ngoài hợp đồng giao khoán).
Năm 1994, huyện Xuyên Mộc đồng ý cho đơn vị nhận khoán kết hợp kinh doanh du lịch dưới tán rừng trong 50 năm và đơn vị nhận khoán đã tổ chức kinh doanh dưới tán rừng tại đây (vị trí dự án KDL Vên Vên hiện giờ)…
Một góc khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Vên Vên - Hồ Cốc. Ảnh: KHÁNH LY
Tuy nhiên, từ năm 1981 trên phần đất giao khoán đã tồn tại một căn nhà gỗ 140 m2do Công an tỉnh Đồng Nai (cũ) xây dựng để kiểm soát an ninh, sau đó giao cho UBND xã Bưng Riềng quản lý. Năm 1998, Công ty SXKDDV Xuyên Mộc mua xác nhà gỗ này rồi xin sửa chữa, mở rộng xây dựng với diện tích 2.500 m2 để tiếp tục phục vụ cho hoạt động kinh doanh du lịch.
Năm 2003, Bà Rịa-Vũng Tàu sắp xếp, chuyển đổi Công ty Đầu tư và Phát triển Du lịch và Công ty SXKDDV Xuyên Mộc thành Công ty Hương Phong. Trước khi chuyển đổi, ông Phạm Văn Trung, Giám đốc Công ty SXKDDV Xuyên Mộc xin chủ trương thanh lý căn nhà gỗ và tháng 5-2003, ông bán căn nhà cho Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Kim Sa Bãi với giá 47 triệu đồng.
Điều đáng nói, chủ DN Kim Sa Bãi là vợ của ông Trung!
Sau khi mua thanh lý căn nhà gỗ này, vợ ông Trung xin UBND xã Bưng Riềng sửa chữa để làm phòng nghỉ rồi xây dựng nhiều công trình và tổ chức kinh doanh du lịch trên khu đất có căn nhà gỗ. Biến việc mua nhà gỗ thành KDL Vên Vên hiện giờ.
Trước thực tế trên, năm 2004, Văn phòng Tỉnh ủy và Công ty Hương Phong đã có nhiều văn bản yêu cầu người mua tháo dỡ tài sản đi nơi khác và trả lại diện tích cho công ty; tháo dỡ nhà nghỉ Vên Vên, giải tỏa các công trình xây dựng để kinh doanh trái phép này… Tuy nhiên, Kim Sa Bãi vẫn tiếp tục sử dụng đất, tổ chức kinh doanh du lịch tại đây cho đến hiện nay.
Thanh tra tỉnh kết luận: DN Kim Sa Bãi tự ý chiếm dụng đất, xây dựng không phép là trái pháp luật. Hành vi giúp sức, tạo điều kiện cho DN này kinh doanh của ông Trung có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, DN Kim Sa Bãi đã đầu tư xây dựng rất nhiều công trình cũng có phần lỗi của các cơ quan quản lý nhà nước nên thanh tra kiến nghị Công ty Hương Phong và DN Kim Sa Bãi thương lượng mức hỗ trợ tương đương với mức bồi thường thiệt hại nhà cửa, vật kiến trúc theo quy định. Trường hợp không thực hiện được, tổ chức cưỡng chế giải phóng mặt bằng trả lại nguyên trạng đất rừng theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định…