Báo cáo được đưa ra sau khi đoàn khảo sát do ông Phạm Thành Chung, Chánh Văn phòng HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã đi thực tế tại thị xã Phú Mỹ, TP Vũng Tàu, TP Bà Rịa, huyện Châu Đức và Long Điền.
Theo đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 191 trường hợp thực hiện phân lô, tách thửa. Trong đó có 72 trường hợp có văn bản chấp thuận chủ trương của UBND huyện, thị xã, thành phố, 119 trường hợp đầu tư phân lô, tách thửa không phép. Diện tích khu đất vi phạm lớn nhất là 13 ha, nhỏ nhất khoảng 0,5 ha.
Theo HĐND tỉnh, một số vấn đề nổi lên như sau: Thứ nhất, tình trạng san lắp mặt bằng thay đổi hiện trạng đất, phân lô, xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp tại các địa phương diễn biến hết sức phức tạp; tăng về số lượng và mức độ công khai.
Sự tăng lên nhanh chóng về số lượng sai phạm có thể lấy ví dụ điển hình tại thị xã Phú Mỹ. Thời điểm tháng 12-2018 ghi nhận có 20 trường hợp sử dụng đất sai mục đích, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên đất nông nghiệp khi chưa được cơ quan nhà nước cho phép thì đến tháng 6-2019 đã có đến 113 trường hợp vi phạm.
Một "dự án" không phép của địa ốc Alibaba tại thị xã Phú Mỹ sắp bị cưỡng chế-Ảnh: TK
Có những trường hợp tại các xã, phường của thị xã Phú Mỹ và phường 12 của TP Vũng Tàu khi đoàn công tác địa phương xuống khảo sát, chủ công trình vẫn tiến hành san gạt và xây dựng trên đất nông nghiệp. Việc rao bán đất nền tại các khu đất trên diễn ra công khai.
Thứ hai, công tác quản lý của chính quyền địa phương chưa chặt chẽ và chưa kịp thời, thiếu kiểm tra, giám sát; chưa kiên quyết trong cưỡng chế sai phạm. Một số phường, xã thuộc thị xã Phú Mỹ khi phát hiện sai phạm chỉ cảnh báo bằng hình thức dựng bảng “cảnh báo dự án ma” nhưng không kiểm tra, kiểm soát việc xây dựng trái phép trên đất tại các "dự án" này. Chỉ đến khi cử tri, dư luận và báo chí phản ánh nóng và HĐND tỉnh khảo sát kiến nghị thì chính quyền địa phương mới có động thái thực hiện cưỡng chế.
Cơ quan chức năng phá dỡ con đường xây trái phép tại khu đất phân lô, bán nền ở phường 12, TP Vũng Tàu.
Bên cạnh những trường hợp thực hiện không phép thì ở các địa phương khác, nhiều trường hợp đã được chính quyền địa phương chấp thuận chủ trương đầu tư, đã đầu tư hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhưng chưa chuyển mục đích sử dụng đất và cơ quan chức năng chưa thực hiện nghiệm thu công trình.
Lại có trường hợp đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo các điều kiện đáp ứng về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đối với khu dân cư; chất lượng công trình thi công không được giám sát, đảm bảo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn trước khi đưa vào sử dụng... Về lâu dài, việc này sẽ tạo gánh nặng cho cơ quan quản lý nhà nước đối với việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, hạ tầng đô thị và nông thôn.
Một số cá nhân, tổ chức cố tình làm sai quy định của nhà nước, tự ý làm đường trên đất nông nghiệp thực hiện mục đích phân lô bán đất nền hoặc lợi dụng sự thiếu chặt chẽ tại Quyết định số 23/2017/QĐ-UBND quy định về việc tách thửa trên địa bàn để lách luật, thực hiện tách thửa để trục lợi.
Chất vấn về trách nhiệm trước thực trạng phân lô, bán nền không phép Từ ngày 16 đến 18-7, HĐND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tiến hành họp kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Khóa 6. Tại kỳ họp này, một trong những nội dung chất vấn đối với UBND tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh và các cơ quan liên quan được HĐND tỉnh đưa ra đó là vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, sở ban ngành trong việc quản lý đất đai, quy hoạch đối với các dự án phân lô, bán nền tại địa phương. |