Với 3 trụ cột kinh tế là du lịch, năng lượng tái tạo và nông nghiệp cùng những quyết sách đúng đắn trong hoạch định và thực thi chiến lược, Ninh Thuận từ một tỉnh nghèo đã bật lên vào nhóm 5 địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước trong 5 năm qua.
Sức bật từ trụ cột du lịch
Những ngày này công trường dự án SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang đang được thi công hối hả ngày đêm để sớm đạt tiến độ, đưa dự án vào khai thác cuối năm 2021.
SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang là dự án nghỉ dưỡng kết hợp với trải nghiệm và vui chơi giải trí quy mô lớn đầu tiên tại Ninh Thuận.
Với định hướng góp phần đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm nghỉ dưỡng - trải nghiệm - vui chơi giải trí mới của Châu Á, Tập đoàn Crystal Bay và các đối tác đã tiên phong kiến tạo những tổ hợp giải trí nghỉ dưỡng biển tầm vóc quốc tế mang tới nhiều trải nghiệm độc đáo không đâu có cho mảnh đất này.
SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang 3.300 phòng, đang được khẩn trương xây dựng với 101 tiện ích quy mô quốc tế như: công viên nước, công viên chuyên đề ven biển, khu phức hợp thể thao dưới nước… Dự án sẽ trở thành điểm đến mới đẳng cấp quốc tế trong lòng Ninh Thuận.
Cùng với đó, Crystal Bay tiếp tục kiến tạo hàng loạt trải nghiệm mới lạ tại Ninh Thuận với tổ hợp giải trí nghỉ dưỡng biển Sailing Bay Ninh Chữ tại Ninh Chữ (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận).
Với Sailing Bay Ninh Chữ, lần đầu tiên tại Việt Nam có tổ hợp giải trí thể thao tuyết Ski Ninh Chữ Bay lớn thứ 3 thế giới với diện tích lên tới 8.000 m2…
Nhiều dự án du lịch lớn khác cũng đang được tích cực triển khai. Hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Vinpearl, FLC, T&T, Crystal Bay… đã đầu tư 54 dự án du lịch lớn tạo cú hích mạnh mẽ trong phát triển hạ tầng du lịch tại Ninh Thuận.
5 năm qua, Ninh Thuận đã thu hút gần 10 triệu lượt khách, tạo bước đột phá cho cả giai đoạn 2015-2020. Tất cả đang tạo nên viễn cảnh tươi sáng đưa Ninh Thuận phát triển thành 1 trong 7 vùng trọng điểm du lịch quốc gia, điểm đến mới của cả châu Á trong tương lai gần.
Viễn cảnh tươi sáng cho Ninh Thuận
Cùng với du lịch, Ninh Thuận đã chọn năng lượng tái tạo là trụ cột thứ 2 để phát triển kinh tế. Trong tổng số 31 dự án năng lượng tái tạo được cấp quyết định chủ trương đầu tư tại Ninh Thuận tới nay đã có 3 dự án điện gió, 18 dự án điện mặt trời đưa vào vận hành, khai thác, với tổng công suất hòa lưới điện quốc gia đạt trên 1.330 MW.
Nông nghiệp Ninh Thuận thời gian gần đây cũng đã vươn mình ra “sân chơi” quốc tế. Không chỉ đạt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất tôm giống của Việt Nam, ngày 11-9 vừa qua, Ninh Thuận đã xuất khẩu lô tôm đông lạnh đầu tiên sang một số nước châu Âu theo Hiệp định EVFTA.
Đó là kết quả của cả một quá trình được đặt nền móng từ tầm nhìn mới của lãnh đạo Ninh Thuận. Là tỉnh đầu tiên của cả nước thuê tập đoàn Monitor (Mỹ) và Arup (Anh) xây dựng chiến lược và lập kế hoạch tổng thể phát triển KT-XH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Ninh Thuận đã tiên phong đưa vào hoạt động văn phòng phát triển kinh tế (Economic Development Office -EDO) theo hình mẫu của Singapore để giải quyết các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng...
Cách tiếp cận mới cùng những cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, sự hấp dẫn của cơ chế ưu đãi đặc thù đã giúp Ninh Thuận đạt được nhiều thành tựu ấn tượng: GRDP bình quân đạt 60,1 triệu đồng/người, tăng 2,17 lần so với năm 2015; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn đạt 78.015 tỉ đồng, tăng 2,35 lần so với giai đoạn trước. Đặc biệt, thu ngân sách đạt 3.500 tỉ đồng, tăng bình quân 12,8%/năm.
Những thành tựu bước đầu đó đã, đang đặt nền móng vững chắc để Ninh Thuận phát triển bứt phá hơn trong giai đoạn mới đầy tươi sáng.