Bà Trương Thị Mai: Khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm

(PLO)- Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết Trung ương Đảng khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm, kiên trì thực hiện "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong phiên chiều 5-12 của hội nghị toàn quốc về nghiên cứu, học tập, quán triệt Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã truyền đạt chuyên đề Nghị quyết 28 về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”.

Bà Trương Thị Mai: Khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm ảnh 1

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VGP

Phân cấp, phân quyền tránh chồng chéo

Trưởng ban tổ chức Trung ương đánh giá, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị vẫn còn những hạn chế nhất định.

Đó là chậm khắc phục tình trạng ban hành nhiều văn bản, một số văn bản còn chung chung, dàn trải, chậm sửa đổi,bổ sung, thay thế.

Mô hình tổng thể của hệ thống chính trị chưa hoàn thiện; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chức năng người đứng đầu có nội dung chưa rõ; phân cấp, phân quyền chưa mạnh.

Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa chú trọng công tác kiểm tra, giám sát; chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan tham mưu, giúp việc… Cải cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc trong Đảng chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Bà Trương Thị Mai: Khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm ảnh 2

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai truyền đạt về nghị quyết 28. Ảnh: VGP

Trưởng ban tổ chức Trung ương cho hay, Trung ương đề ra sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn. Trong đó, có việc đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao chủ trương, đường lối của Đảng theo hướng đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, tính dự báo cao.

“Tránh tình trạng ban hành hai năm thì hết dùng được” - bà Mai nói và nhấn mạnh, chỉ ban hành văn bản mới khi thực sự cần thiết.

Với những văn bản quan trọng, tác động sâu rộng trước khi ban hành phải lấy ý kiến của các cơ quan dân chủ, khắc phục tình trạng ban hành văn bản không sát với thực tiễn, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính khả thi.

Bà Mai cũng cho biết đối với Chính phủ, việc thực hiện nhiệm vụ này cần tập trung tăng cường quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đồng bộ, thống nhất. Cùng với đó là tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, làm rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân trong bộ máy hành chính…

“Không phân cấp, phân quyền tốt thì mình sẽ có rất nhiều việc, việc gì cũng đến tay thì không hiệu quả”- bà Mai nhấn mạnh.

Về việc nâng cao hiệu quả công tác tổ chức, bà Mai lưu ý Trung ương Đảng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tránh trùng lắp, chồng chéo.

Bà Mai cũng nhắc lại yêu cầu phân cấp, phân quyền hợp lý, rõ ràng giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm…

Trưởng ban tổ chức Trung ương đồng thời nhấn mạnh Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban bí thư, các cấp ủy, tổ chức đảng cần thường xuyên lãnh đạo định hướng các cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên lãnh đạo, định hướng, cho chủ trương đối với những vấn đề lớn, mới, phức tạp, nhạy cảm.

Chính sách tiền lương phải trở thành động lực

Đề cập đến vấn đề biên chế, bà Mai cho rằng phải tổng kết, rà soát lại để năm 2025 sẽ hoàn thiện. Năm 2026, Bộ Chính trị sẽ quyết định biên chế gắn với vị trí việc làm. “Khi đó, chính sách tiền lương phải trở thành động lực. Tiền lương gắn đúng với công việc của Đảng, cơ quan phân công” - bà Mai nói.

Bà cũng nhấn mạnh yêu cầu của Trung ương về việc xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị; thể chế chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Khẳng định nhân tài là một trong những yếu tố quan trọng, bà Mai nói: “Sắp tới chúng ta sẽ có chính sách riêng của Đảng về trọng dụng, sử dụng nhân tài. Làm sao cho cán bộ trẻ có năng lực vượt trội được cống hiến cho Đảng, đất nước nhiều hơn”.

Trung ương Đảng cũng khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; kiên trì thực hiện "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ.

Về giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, bà Trương Thị Mai cho rằng phải nâng cao việc chấp hành sự phân công của Đảng.

“Giờ nhiều cán bộ lựa chọn chỗ này, thích sang chỗ kia, phân công không muốn làm... Vì vậy, phải tiếp tục nâng cao việc chấp hành sự phân công của Đảng. Lúc Đảng cần phân công đi ra trận cũng phải đi. Nếu không giữ được cái này thì làm sao giữ được sự nghiêm minh của Đảng” - bà Mai nhấn mạnh.

Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X sau 15 năm, Trưởng ban tổ chức Trung ương nhìn nhận phương thức lãnh đạo của Đảng với hoạt động của hệ chính trị đã có nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả.

Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên được nâng cao; bảo đảm thực hiện đúng cơ chế “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đã từng bước khắc phục tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo.

Chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên, việc phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ của Đảng vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ngày càng chặt chẽ. Công tác kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh, có phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Cùng đó, công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cải cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc được chú trọng; ban hành nhiều quy định, cơ chế để phát huy dân chủ, vai trò giám sát của cơ quan dân cử…

Hoạt động giám sát của MTTQ và các chính trị- xã hội đã được nâng lên, đã tham gia góp ý, tập hợp được ý kiến của người dân, giám sát các vấn đề dư luận quan tâm...

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy