Bạc Liêu: Cán bộ sai phải xin lỗi dân

Nghe nhắc đến việc xin lỗi dân ở phường 5, TP Bạc Liêu, anh Đào Duy Tân ở phường này cười tươi, nói: “Phường sòng phẳng, tôi rất thích. Tôi bị một cán bộ làm khó, tôi báo lãnh đạo. Vậy là họ xác minh làm rõ ngay, mời tôi đến để cán bộ đó xin lỗi trước mặt lãnh đạo phường. Sau lần đó, tôi thấy vui và xen lẫn chút tự hào về cán bộ của phường tôi”.

Lập biên bản lời xin lỗi

Cuối năm 2013, vợ anh Tân sinh được con trai đầu lòng. Mừng quá, anh hấp tấp chạy lên phường làm giấy khai sinh cho con và sẵn làm luôn giấy kết hôn mà trước đó anh bận bịu chưa làm được.

Gặp anh Trần Dù Háu, là cán bộ một cửa của phường 5 phụ trách tư pháp, anh Tân đưa giấy tờ và yêu cầu của mình. Sau khi hỏi thông tin từ anh Tân, anh Háu yêu cầu anh phải viết cam kết rằng đứa bé mới sinh là con ruột của anh.

Giận đỏ mặt vì tự ái nhưng thấy việc làm không khó nên sau khi cự cãi một lúc, anh Tân ngồi viết cam kết cho xong việc. Xong, đợi lấy được giấy khai sinh và giấy kết hôn, anh Tân vào méc lãnh đạo phường.

UBND phường 5, TP Bạc Liêu, nơi thực hiện nghiêm quy chế cán bộ làm sai phải xin lỗi dân. Ảnh: T.VŨ

“Nghĩ là méc cho có, cho hả cơn tức, không ngờ chỉ sau một ngày, lãnh đạo phường đến tận nhà nói chuyện phải quấy. Phó chủ tịch phường 5 đã đến nhà, thay mặt lãnh đạo phường nhận lỗi nên tôi rất mát lòng. Các anh ấy mời tôi đến phường để cho anh Háu nhận lỗi. Tôi từ chối nhưng các anh lãnh đạo phường giải thích là tôi nên đến để cán bộ có lỗi trực tiếp xin lỗi để họ làm công tác tốt hơn. Và trước mặt bí thư, chủ tịch phường, anh Háu đã nói lời nhận lỗi với tôi. Việc này được lập biên bản đàng hoàng, tôi mới tin là phường mình làm thiệt chứ không nói chơi” - anh Tân kể.

Sau đó anh Háu bị kiểm điểm trước tập thể, việc kết nạp đảng bị dừng lại một năm.

Ông Nguyễn Hoàng Vinh, Phó Chủ tịch UBND phường 5, kể thêm: “Từ ngày thực hiện quy chế xin lỗi dân tới giờ khoảng năm rưỡi. Có ba cán bộ xin lỗi dân vì có ứng xử thiếu mẫu mực, làm khó dân. Vụ làm giấy khai sinh như kể trên, hai là vụ làm giấy khai tử, ba là vụ dân viết giấy ủy quyền nhưng sai chính tả bị cán bộ nạt, bốn là vụ người ta đến nhờ công chứng mua bán xe nhưng cán bộ không nhận. Bốn vụ nhưng xác định được ba cán bộ, còn một vụ do không biết cán bộ nào nên mới phê bình chung”.

Sòng phẳng là kính trọng nhau

Theo tìm hiểu của chúng tôi, người chủ trương thực hiện quy chế xin lỗi dân là ông Lê Thành Cơ, Bí thư phường 5, TP Bạc Liêu.

Ông Cơ nói: “Với tôi, có lỗi phải xin lỗi là đạo đức bao đời nay của dân ta. Không ai đi cười chê người có lỗi mà biết nhận lỗi. Đó là văn hóa ứng xử cơ bản nhất mà mỗi người chúng ta phải biết, phải làm được trước khi muốn làm những việc khác. Từ đó tôi bàn với các lãnh đạo phường là quyết tâm làm”. Và từ năm 2013, một quy chế được lãnh đạo phường trực tiếp soạn thảo, gửi về chi bộ các khóm để người dân cùng đóng góp, hoàn chỉnh. Tại quy chế mang tên văn hóa công sở của phường 5, TP Bạc Liêu này, các chi bộ và người dân đặc biệt quan tâm đến Điều 9 của quy chế, về “giao tiếp ứng xử và xin lỗi với nhân dân”. Điều này quy định rõ cán bộ, công chức, viên chức của phường phải thực hiện việc xin lỗi dân trước mặt lãnh đạo khi có thái độ, việc làm không đúng với dân. Những việc làm đó được chỉ rõ là hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu, gây khó khăn, cản trở, phiền hà, chậm trễ… Nếu vi phạm mức độ nặng thì ngoài bị kỷ luật theo quy định còn phải xin lỗi dân.

Dân cả phường hưởng ứng nên quy chế nhanh chóng hoàn thiện và có hiệu lực vào tháng 6-2013. Và chỉ vài tháng sau, anh Đào Duy Tân được cán bộ phường xin lỗi là chuyện mà dân hay đem ra kể cho nhau nghe.

Chúng tôi gặp anh Háu và anh này vẻ ngượng khi kể lại chuyện cũ. Anh nói: “Lúc đó tôi mới nhận nhiệm vụ, gặp trường hợp của anh Tân nên hơi lúng túng và xử lý không đúng. Khi lãnh đạo buộc phải xin lỗi, tôi buồn, rất khó mở miệng. Nhưng khi xin lỗi xong, tôi thấy nhẹ người. Sau này, tôi với anh Tân gặp nhau rất vui vẻ.

Còn chị Trang Ngọc Bích, cán bộ một cửa, có âm giọng hơi… cao và nói đùa với chúng tôi là giọng to là do trời phú. “Giọng mình to và càng to khi thấy mấy anh có rượu trong người đến làm giấy tờ… Sau mấy lần bị lãnh đạo đem quy chế ra chiếu, giờ ổn rồi. Lỡ có nóng thì tôi kềm lại, lấy giấy ra viết thay vì dùng lời, quá mạo hiểm!” - chị Bích cười tươi nói.

Theo ông Cơ, “chiến lược” lời xin lỗi đang ở giai đoạn 1. “Sắp tới, chúng tôi cũng yêu cầu người dân sòng phẳng lại với cán bộ: Đến cơ quan nhà nước thì phải gọn gàng, ăn nói chừng mực. Giai đoạn 2, tôi nghĩ khó làm hơn nhưng chúng tôi tin tưởng sẽ làm được”.

Theo ông Trần Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu, quy chế xin lỗi dân tại phường 5 đã đi vào đời sống được người dân đồng tình. Qua đó, cán bộ cũng rèn luyện đạo đức tác phong. Lãnh đạo TP Bạc Liêu đặc biệt chú ý quy chế này. Hy vọng nó sẽ là một cách để nâng cao văn hóa ứng xử công sở, nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức của TP Bạc Liêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm