Trình tự, thủ tục yêu cầu bồi thường oan theo quy định hiện hành còn rườm rà, nhiêu khê, nhất là còn nặng tính quan liêu, làm cho người bị oan phải tốn nhiều thời gian, công sức.
Về vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với luật sư Trương Trọng Nghĩa (đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam).
Nghị quyết 388 trước đây và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện nay (LTNBTCNN) đều quy định việc bồi thường thiệt hại và khôi phục danh dự, quyền lợi hợp pháp cho người bị oan chỉ được thực hiện khi họ có yêu cầu bằng văn bản. Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, thực tiễn áp dụng cho thấy đã đến lúc cần phải sửa đổi quy định này.
Chủ động bồi thường, xin lỗi
. Phóng viên: Thưa ông, Điều 34 LTNBTCNN quy định người bị làm oan phải chuẩn bị đơn và hồ sơ yêu cầu bồi thường để cơ quan đã làm oan mình xem xét. Còn theo Điều 37 LTNBTCNN, nếu việc thương lượng bồi thường giữa các bên không thành thì người bị oan mới được khởi kiện để tòa thụ lý. Ông nhận xét gì về các quy định này?
Theo tôi, vì một nền tố tụng văn minh, dân chủ và để thể hiện tinh thần “công bộc của dân”, nên sửa đổi quy định theo hướng khi việc làm oan đã được xác định rõ ràng, cơ quan làm oan phải chủ động liên hệ thăm hỏi, nhận lỗi, đề xuất bồi thường nếu có thiệt hại trong một thời hạn nhất định. Làm như vậy sẽ có nhiều trường hợp người dân hài lòng và bỏ qua. Nếu có yêu cầu bồi thường thì họ cũng sẽ chấp nhận dễ dàng. Khi đó, cơ quan tố tụng vừa được lòng dân, vừa tránh được nhiều vụ khiếu kiện kéo dài.
Ông Nguyễn Thanh Chấn (thứ hai từ trái), người bị oan cùng vợ, luật sư và người thân sau buổi họp với đại diện TAND Tối cao về việc yêu cầu bồi thường oan. Ảnh: VD
. Nhưng thực tế không phải cơ quan làm oan nào cũng tâm phục khẩu phục, họ thường có tâm lý “ấm ức” nên việc phải chủ động xin lỗi, bồi thường khiến họ khó chịu và tìm cách kéo dài. Lúc này đòi hỏi sự thành tâm chủ động từ phía họ thì e rằng hơi khó, thưa ông?
+ Nếu luật quy định việc chủ động xin lỗi, chủ động hòa giải như là một nghĩa vụ bắt buộc và là “tình tiết giảm nhẹ” khi xử lý trách nhiệm thì tôi tin rằng sẽ có nhiều cơ quan, cán bộ làm sai tích cực thực hiện.
. Thưa ông, Điều 51 LTNBTCNN quy định người bị oan có quyền yêu cầu khôi phục danh dự nhưng chỉ được giải quyết sau khi có quyết định giải quyết về bồi thường có hiệu lực được ba tháng. Quy định này có gây khó cho người bị oan?
+ Quy định như Điều 51 rất quan liêu và bất công. Đã có quyết định giải quyết bồi thường rồi mà lại buộc người bị oan phải yêu cầu khôi phục danh dự bằng văn bản. Tại sao trong quyết định giải quyết không quy định rõ nghĩa vụ, thời hạn khôi phục danh dự cho người bị oan theo cách thức nhanh chóng, thuận tiện nhất cho họ?
Xin lỗi phải thực chất
. Thông thường trong buổi xin lỗi công khai chỉ có đại diện của cơ quan làm oan đến đọc lời xin lỗi mà không có các cá nhân trực tiếp làm oan tham dự (dù có thể họ đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác). Ông có nghĩ như vậy việc xin lỗi chỉ là hình thức?
+ Tôi cho rằng cần thiết phải có những cá nhân gây ra oan sai có mặt tại buổi xin lỗi công khai, trừ phi họ đang bị giam cứu hoặc đã bị sa thải. Có như vậy họ mới thấu hiểu và thực sự rút được kinh nghiệm trong nghiệp vụ của mình. Đây cũng là đạo lý của dân tộc ta. Ở nhiều nước khác, công chức sai phạm phải xin lỗi công khai, kể cả tổng thống.
. Ông có đề xuất sửa đổi cụ thể gì để việc bồi thường, xin lỗi công khai người bị oan không nhiêu khê như hiện nay? Chẳng hạn như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, cơ quan làm oan là TAND Tối cao yêu cầu ông Chấn cung cấp quyết định khởi tố từ hơn 10 năm trước, trong khi quyết định đó có sẵn trong hồ sơ vụ án và TAND Tối cao có thể dễ dàng thu thập?
+ Có một thực tế chung, không chỉ ở Việt Nam, là tình trạng “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện” trong các cơ quan nhà nước. Do vậy cần phải quy định sao cho thuận lợi nhất cho người bị oan và bảo đảm việc giải quyết, xét xử phải công bằng, khách quan, nhanh chóng. LTNBTCNN hiện nay, qua năm năm thực hiện, đã cho thấy nhiều bất cập.
Quyền được Nhà nước bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự là quyền con người được hiến định, đặc biệt được bổ sung và nhấn mạnh tại Điều 31 Hiến pháp 2013. Có những trường hợp bồi thường thiệt hại tinh thần và phục hồi danh dự còn quan trọng hơn bù đắp thiệt hại vật chất. Việt Nam đã cam kết phải thể chế hóa và bảo đảm thi hành quyền này bằng luật pháp và cơ chế tố tụng cụ thể, có hiệu lực. Do đó, LTNBTCNN cần được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo tinh thần của Hiến pháp 2013, nhất là khi Việt Nam đang là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
. Xin cảm ơn ông.
THANH TÙNG
Quyền hiến định Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật. (Theo khoản 5 Điều 31 Hiến pháp 2013) |