Số này, chúng tôi tiếp tục ghi nhận ý kiến của các chuyên gia khẳng định cần phải đơn giản hóa thủ tục này trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (LTNBTCNN).
Càng đơn giản càng tốt
Với những trường hợp đã có bản án có hiệu lực pháp luật hay quyết định của cơ quan có thẩm quyền kết luận là oan thì không có lý gì cơ quan làm oan lại phải làm khó người bị oan. Yêu cầu người bị oan phải thu thập, nộp văn bản này, giấy tờ kia để chứng minh mình bị oan là không cần thiết, quá rườm rà. Bởi có khi chính cơ quan làm oan là cơ quan ban hành các văn bản pháp luật đó thì tại sao không tự mình thu thập làm hồ sơ bồi thường? Nếu giấy tờ đó nằm ở các cơ quan tố tụng khác thì cơ quan làm oan cũng có thể chủ động thu thập giúp người bị oan. Trong khi chế độ lưu trữ của các cơ quan tố tụng là lâu dài và ổn định, còn người dân chịu cảnh tù tội, có khi gia đình ly tán, làm sao họ còn lưu trữ được.
Về hồ sơ thủ tục yêu cầu thì theo tôi, càng đơn giản càng tốt. Làm sao ngay lập tức cơ quan làm oan bù đắp phần nào những mất mát mà người bị oan đã phải gánh chịu. LTNBTCNN phải điều chỉnh theo hướng này để thể hiện sự sòng phẳng và có thiện chí đối với người bị làm oan. Càng thủ tục hành chính nhiêu khê, càng kéo dài việc bồi thường thì càng kéo dài thời gian đau khổ với người bị oan.
Một cán bộ Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Ông Nguyễn Thanh Chấn, người bị TAND Tối cao làm oan hy vọng sẽ có kết quả khả quan về việc yêu cầu bồi thường oan. Ảnh: VD
Chủ động, đừng đổ khó cho dân
Cơ quan tố tụng khởi tố, truy tố, xét xử oan mà lại bắt người bị oan đưa ra căn cứ thì mới bồi thường là phi lý. Suy nghĩ này đã tạo ra sự thiếu công bằng trong hai chủ thể, trong khi Hiến pháp quy định mọi công dân có quyền bình đẳng trước pháp luật. Đã làm sai thì phải sửa ngay, do đó tôi đồng ý với ý kiến cho rằng cơ quan làm oan phải chủ động liên hệ thăm hỏi, nhận lỗi và đề xuất phương án bồi thường với người bị oan. Người bị oan đã gặp bao đau khổ, tủi cực, khi được minh oan lại phải vất vả chạy ngược xuôi lập hồ sơ giấy tờ yêu cầu bồi thường thì rất tội nghiệp.
Ngay cả quy định phải có văn bản xác định oan (nhiều hội thảo đã chỉ ra) trong LTNBTCNN cũng đẩy phần khó cho người dân. Bất luận thế nào thì việc không chứng minh được một người phạm tội cũng đồng nghĩa với việc họ bị oan. Trong khi đó, các cơ quan tố tụng đùn đẩy nhau, đổ trách nhiệm cho nhau và không cơ quan nào chịu thừa thận. Cần điều chỉnh theo hướng chỉ cần có căn cứ xác định đương sự bị oan là có quyền yêu cầu bồi thường oan.
Luật sư NGUYỄN TOÀN THIỆN, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận
Làm sai thì phải sửa ngay
Chúng ta phải thống nhất với nhau rằng có làm thì có sai, hoạt động tư pháp cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Nhưng khi sai rồi thì chuyện khắc phục hậu quả, ứng xử sao cho khéo léo và ngay lập tức là điều rất cần. Biết rằng yêu cầu bồi thường oan cái gốc vẫn là yêu cầu về dân sự, cần phải có hồ sơ giấy tờ và tuân theo các nguyên tắc luật định. Nhưng hãy chủ động giúp người dân làm những thủ tục ấy vì chính cơ quan làm oan là người nắm hồ sơ vụ án rõ nhất. Việc làm khó, chây ì, thậm chí né tránh trách nhiệm chỉ khiến người dân thêm bức xúc và mất niềm tin vào công lý mà thôi, khi ấy cái oan sẽ tăng gấp đôi.
Tâm lý chung của cơ quan tố tụng (có thể của cơ quan nhà nước nói chung) là ít khi thẳng thắn thừa nhận mình làm sai. Việc khắc phục cái sai cũng vậy, dù biết cuối cùng cũng vẫn phải bồi thường nhưng không bao giờ chịu làm ngay. Đó là điều đáng lo ngại về tính tự chịu trách nhiệm của cán bộ tố tụng nói chung, trong khi một nền tư pháp dân chủ, tiến bộ không cho phép tồn tại suy nghĩ ấy.
TS NGUYỄN VĂN TIẾN, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM
Thành tâm nhận lỗi
Thủ tục yêu cầu bồi thường oan tại Điều 34 và thủ tục yêu cầu khôi phục danh dự tại Điều 51 LTNBTCNN hiện nay quá hình thức và thiếu thực chất. Đáng phải được bồi thường ngay nhưng bắt làm hồ sơ yêu cầu, đáng được xin lỗi ngay thì phải chờ ngày chờ tháng. Thậm chí có quyết định bồi thường rồi nhưng người bị oan cũng phải chờ hàng năm mới nhận được tiền vì vướng thủ tục cấp kinh phí từ cơ quan khác… Trong khi lẽ tự nhiên khi phạm sai lầm thì phải sửa ngay, cơ quan tố tụng phải ngay lập tức chủ động khắc phục. Hậu quả oan là do cơ quan làm oan gây ra thì phải thành tâm nhận lỗi, cớ gì bắt người bị oan phải đi xin thì mới được bồi thường, mới được khôi phục danh dự.
Tôi nghĩ quy định là do con người làm ra nên chúng ta hoàn toàn có thể sửa chữa, bổ sung sao cho hợp tình, hợp lý. LTNBTCNN phải được điều chỉnh lại theo hướng đảm bảo cao nhất quyền lợi của người bị oan.
Luật sư HOÀNG KIM VINH, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước
Quan không vội dù dân rất cần
Quy định tại Điều 34 LTNBTCNN là ngoài hồ sơ như đơn, văn bản xác định oan, lý do yêu cầu thì người bị oan còn phải đưa ra chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường là một minh chứng cho việc làm khó người dân. Vì “chứng cứ có liên quan” mà các cơ quan tố tụng lạm dụng đòi hỏi những loại giấy tờ mà người bị oan không thể cung cấp. Trong khi LTNBTCNN lại không quy định rõ trường hợp bị mất hồ sơ thì người yêu cầu phải thực hiện những bước gì tiếp theo. Vòng luẩn quẩn này khiến cơ quan làm oan có thể bình chân chờ xử lý, còn người bị oan thì nôn nóng từng ngày. Tôi nghĩ đã đến lúc những người có trách nhiệm phải xem xét điều chỉnh ngay những quy định bất hợp lý trong LTNBTCNN để quyền lợi của người bị oan được đảm bảo một cách sớm nhất.
Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM
THANH TÙNG ghi