Vụ “quên bị can suốt 21 năm”: Phải bồi thường ngay cho người bị oan

Hiện ông Lá đã được các cơ quan tố tụng địa phương xác nhận bị oan nhưng chưa rõ cơ quan nào phải bồi thường, xin lỗi. CQĐT và VKS bảo tòa, tòa lại nói CQĐT.

Về chuyện này, các chuyên gia cũng chia làm nhiều quan điểm khác nhau nhưng tất cả đều thống nhất rằng trước mắt các cơ quan tố tụng phải “thống nhất cử ra một cơ quan giải quyết bồi thường thiệt hại ngay cho người bị oan, còn trách nhiệm thì nội bộ tính sau”.

Theo điểm a khoản 1 Điều 32 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, tòa cấp sơ thẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp tòa này tuyên bị cáo có tội nhưng tòa cấp phúc thẩm hủy án để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không thực hiện hành vi phạm tội.

Vụ việc của ông Phan Văn Lá hơi khác so với trường hợp luật định trên: Sau khi TAND tỉnh Long An hủy án sơ thẩm của TAND huyện Châu Thành để điều tra lại, hồ sơ được chuyển về cho cơ quan điều tra (CQĐT) Công an huyện Châu Thành. Thay vì tiến hành điều tra lại, cơ quan này lại bỏ lửng vụ án. Sau 21 năm, khi ông Lá khiếu nại, CQĐT Công an huyện Châu Thành mới ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án. Đó chính là lý do khiến ngành tòa án Long An cũng như TAND Tối cao cho rằng chính CQĐT Công an huyện Châu Thành phải chịu trách nhiệm bồi thường oan vì có lỗi để vụ án hết thời hạn điều tra.

 
Ông Phan Văn Lá, người chưa biết cơ quan nào sẽ đứng ra bồi thường oan, xin lỗi mình. Ảnh: H.NAM

Ba luồng quan điểm

Trao đổi với các chuyên gia, Pháp Luật TP.HCM đã nhận được ba luồng quan điểm khác nhau.

Theo luật sư Trần Công Ly Tao (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM), trong trường hợp này, hồ sơ đang nằm ở CQĐT Công an huyện Châu Thành trong giai đoạn điều tra lại. Giả sử nếu cơ quan này cứ tiến hành điều tra lại bình thường rồi thấy không đủ căn cứ buộc tội thì ra quyết định đình chỉ điều tra vì ông Lá không thực hiện hành vi phạm tội. Như vậy, trách nhiệm bồi thường oan thuộc về TAND huyện Châu Thành (cơ quan làm oan sau cùng - kết án ông Lá bốn năm tù) là quá rõ, không còn gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, CQĐT lại không làm như vậy mà bỏ lửng vụ án suốt 21 năm. CQĐT có lỗi trong chuyện này nên phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Trong khi đó, một lãnh đạo VKSND tỉnh Đồng Nai và luật sư Trịnh Minh Tân (Đoàn Luật sư TP.HCM) lại cho rằng trách nhiệm bồi thường thuộc về VKSND huyện Châu Thành vì đã thiếu giám sát, chưa làm tròn trách nhiệm kiểm sát điều tra. Về nguyên tắc, VKSND huyện Châu Thành phải kiểm sát việc điều tra lại của CQĐT nhưng bỏ mặc, từ đó không phát hiện ra vi phạm.

Luồng quan điểm thứ ba phổ biến hơn cả là trách nhiệm thuộc về TAND huyện Châu Thành.

ThS Nguyễn Trương Tín (Trường ĐH Luật TP.HCM) phân tích: Đối chiếu với quy định hiện hành thì vụ việc của ông Lá không thuộc một trong những trường hợp được liệt kê về trách nhiệm bồi thường của CQĐT và VKS trong hoạt động tố tụng hình sự mà thuộc về tòa sơ thẩm.

Đúng là vụ việc khúc mắc ở chỗ CQĐT đã bỏ lửng vụ án, treo tư cách bị can của ông Lá suốt 21 năm, từ đó có ý kiến cho rằng lỗi thuộc về CQĐT nên cơ quan này phải bồi thường. Nếu phân tích một cách rạch ròi về trách nhiệm trên cơ sở lỗi thì tòa sơ thẩm có lỗi trong việc tuyên án oan nên tòa phải bồi thường thiệt hại trong thời gian từ khi ông Lá bị bắt đến thời điểm CQĐT thụ lý điều tra lại sau khi án sơ thẩm bị hủy. Còn CQĐT có lỗi trong việc bỏ lửng vụ án, treo tư cách bị can từ khi thụ lý để điều tra lại sau khi án bị hủy đến khi đình chỉ điều tra nên CQĐT phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong thời gian bỏ lửng vụ án.

Tuy nhiên, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước lại không giải quyết vấn đề theo hướng phân tích trên mà chỉ quy định chung là tòa cấp sơ thẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp tòa này “tuyên bị cáo có tội nhưng tòa cấp phúc thẩm hủy án để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không thực hiện hành vi phạm tội”. Cụm từ “mà sau đó” trong luật có thể được giải thích là sau đó vài tháng hoặc cũng có thể là sau đó một thời gian dài, thậm chí 21 năm như vụ việc của ông Lá.

Đồng tình, các luật sư Nguyễn Thạch Thảo, Trương Đình Công Vĩnh, Trần Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM) đều cho rằng ở đây, tòa sơ thẩm chính là cơ quan làm oan sau cùng nên phải bồi thường dù cả ba cơ quan tố tụng của huyện Châu Thành đều chưa làm hết trách nhiệm (CQĐT không điều tra lại, VKS không giám sát, tòa cũng không đôn đốc).

Luật chưa dự liệu hết

Theo luật sư Trương Xuân Tám (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã không lường trước được tình huống CQĐT bỏ lửng vụ án, không điều tra lại sau khi án sơ thẩm bị hủy dẫn đến hết thời hạn điều tra để điều chỉnh cho thật sát. Từ đó đã dẫn dến những tranh cãi, những cách hiểu chưa thống nhất về mặt pháp lý. Ở đây, ông Lá đã được ba ngành tố tụng thừa nhận bị oan, chỉ còn một chuyện là ba ngành tố tụng chưa thống nhất được cơ quan nào bồi thường thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải có sự giải thích luật.

Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Tiến (Trường ĐH Luật TP.HCM) viện dẫn Điều 21 Thông tư liên tịch số 05/2012 của VKSND Tối cao - TAND Tối cao - Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Bộ NN&PTNT (hướng dẫn trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự) để đề xuất hướng tháo gỡ. Theo đó, trong quá trình thực hiện giải quyết bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, nếu có tranh chấp về trách nhiệm bồi thường thiệt hại giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự thì thủ trưởng của các ngành liên quan phối hợp với nhau để xem xét giải quyết.

PHƯƠNG LOAN - NGÂN NGA

Đừng bắt người bị oan phải chờ

Điều 31 Hiến pháp 2013 quy định rõ việc ai bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử… trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử… gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật.

Bản chất của việc bồi thường oan là thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trước dân. Các cơ quan đứng ra bồi thường cũng chỉ thay mặt Nhà nước, nhân danh Nhà nước khôi phục quyền lợi cho dân, giữ uy tín của Nhà nước. Cán bộ sai đến đâu thì tự ngồi với nhau để xem xét chứ không phải đẩy qua đẩy lại rồi bắt người bị oan phải chờ đợi mỏi mòn. Do đó, điều cần làm ngay là các cơ quan có thẩm quyền phải thống nhất chỉ ra một địa chỉ cụ thể để giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan, còn trách nhiệm cá nhân, tập thể… vi phạm thì nội bộ các cơ quan tố tụng tính sau.

ThS LƯU ĐỨC QUANG, Trường ĐH Luật TP.HCM

Tóm tắt vụ việc

Tháng 7-1991, ông Phan Văn Lá (ngụ xã Vĩnh Công, Châu Thành, Long An) cùng hai em trai (13 và 15 tuổi) bị Công an huyện Châu Thành khởi tố, bắt tạm giam về tội hủy hoại tài sản xã hội chủ nghĩa (Điều 138 BLHS 1985). Sau hai tháng tạm giam, CQĐT Công an huyện Châu Thành đã đình chỉ điều tra đối với hai người em.

Tháng 12-1991, TAND huyện Châu Thành đã phạt ông Lá bốn năm tù về tội danh trên. Ông Lá kháng cáo kêu oan. Tháng 9-1992, TAND tỉnh Long An đã hủy án để điều tra, xét xử lại vì chưa đủ cơ sở buộc tội. Hơn một tháng sau, VKSND huyện Châu Thành cho ông Lá tại ngoại. Kể từ đó không ai gọi ông lên làm việc nữa.

Ông Lá kêu oan khắp nơi. 21 năm sau (tháng 9-2013), CQĐT mới ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông. Ông Lá hai lần khởi kiện ra TAND huyện Châu Thành yêu cầu tòa này phải bồi thường oan và công khai xin lỗi nhưng cả hai lần tòa đều từ chối nhận đơn kiện, cho rằng lỗi thuộc CQĐT không điều tra lại, để hết thời hạn điều tra nên tòa không có trách nhiệm.

Đến nay, hai ngành công an, kiểm sát ở tỉnh Long An cũng như Bộ Công an, VKSND Tối cao, Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) đều cho rằng trách nhiệm bồi thường oan thuộc về TAND huyện Châu Thành. Trong khi đó, ngành tòa án tỉnh Long An và TAND Tối cao lại nói trách nhiệm thuộc về Công an huyện Châu Thành.

Hiện Tỉnh ủy Long An là nơi đang chủ trì giải quyết khiếu nại của ông Lá. Theo ông Đỗ Văn Dũng (Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Long An), vì Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao không thống nhất được nên cơ quan này đang xin ý kiến chỉ đạo của Ban Nội chính Trung ương và “lúc đó mới có quyết định cụ thể”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm