Ngày 29-8, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tổ chức hội thảo khoa học “45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Bên cạnh đánh giá cao ý nghĩa, giá trị trường tồn trong bản Di chúc của Người các tham luận tại hội thảo đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, yếu kém trong việc thực hiện Di chúc Bác.
Lãng phí thiệt hại hơn tham nhũng
Trình bày bản tham luận với tiêu đề “Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm qua bản Di chúc” - PGS-TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã điểm qua những câu chuyện cụ thể cho thấy ý thức của Người trong việc thực hành tiết kiệm, tránh lãng phí. Đối chiếu với thực tiễn, TS Phong cho rằng hiện nay chúng ta có quá nhiều lãng phí. Cụ thể đó là lãng phí thời gian, sức lao động, vật chất, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước ở các doanh nghiệp nhà nước, lãng phí trong việc sử dụng tài sản công, sử dụng tài nguyên khoáng sản, quy hoạch bố trí dự án dàn trải, kém hiệu quả…
PGS-TS Bùi Đình Phong đặc biệt nhấn mạnh đến lãng phí chất xám, ông nói: “Loại lãng phí ít người quan tâm là lãng phí chất xám, bố trí người không đúng chỗ, chưa thực sự quan tâm sử dụng người tài, chưa khéo dùng cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Thẳng thắn nhìn nhận tồn tại là để thực hiện Di chúc của Người được tốt hơn. Ảnh tư liệu
Theo TS Phong, trước đây cũng như hiện nay cần phải nhận thức rằng lãng phí là kẻ thù của nhân dân, kẻ thù này khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng mà nằm ngay trong cán bộ, công chức, trong tư duy của cán bộ lãnh đạo, trong tổ chức của ta, phá hoại từ trong ra. Lãng phí thậm chí còn thiệt hại hơn cả tham nhũng, nó làm hại sự nghiệp xây dựng nước nhà, lãng phí chính là ta tự bôi nhọ ta, ta tự đánh đổ ta... Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh khắc phục được tình trạng lãng phí, nâng cao trách nhiệm, đạo đức của cán bộ đảng viên sẽ có được lòng dân. “Được lòng dân là có tất cả, mất lòng dân là mất hết” - ông nói.
Đứng trên quan điểm về văn hóa cầm quyền của Đảng trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, PGS-TS Phạm Ngọc Anh (Phó Viện trưởng phụ trách Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) lại lo ngại về tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức trong cán bộ, đảng viên hiện nay. “Sự tha hóa nhân cách, đạo đức, quá trình tự chuyển biến, tự biến đổi hệ giá trị từ những người cộng sản thành những người có tội làm băng hoại, làm tha hóa giá trị những gì mình đã tôn thờ… dẫn đến hiện tượng chạy chức, chạy quyền, tham dây thực lợi, dung túng, bao che, cục bộ, lợi ích nhóm…” - PGS-TS Phạm Ngọc Anh nói.
Nợ Bác những lời thề
Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến của các đại biểu đã đề cập đến năm lời thề mà đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam thay mặt toàn Đảng, toàn dân ta đã thề danh dự trước anh linh của Người trong lễ truy điệu trọng thể ngày 9-9-1969. Trong đó có lời thề “đạt phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào”.
Những lời thề đó, theo các đại biểu đã trở thành động lực cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phấn đấu. Tuy nhiên, cũng có đại biểu thẳng thắn nhìn nhận đến nay có những lời thề chúng ta chưa thực hiện được. Điều đó như còn mắc nợ với Người.
PGS-TS Phạm Xuân Mỹ (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đánh giá chúng ta chưa thực hiện được lời thề phấn đấu đạt “phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào”. “Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có một số mặt yếu kém chậm được khắc phục, nhất là về giáo dục, đào tạo và y tế; đạo đức, lối sống trong một bộ phận xã hội xuống cấp” - TS Mỹ nhìn nhận.
Bàn luận thêm về vấn đề này, TS Lương Ngọc Vĩnh dựa trên quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc về phê bình và tự phê bình trong Đảng, nêu thực tế: “Mặc dù tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống được nêu ra trong nhiều văn kiện của Đảng nhưng ít có tổ chức Đảng nào chỉ ra danh tính của đảng viên sai phạm thông qua tự phê bình và phê bình. Hầu hết đảng viên chỉ bị quy vào suy thoái khi bị báo chí phanh phui hoặc vụ việc bị vỡ lở, cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc”.
Lý giải về tình trạng tha hóa của cán bộ, đảng viên, TS Lương Ngọc Vĩnh cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đó là tâm lý lo ngại “đấu tranh, tránh đâu”, bị trù dập, quy chụp gây mất đoàn kết nội bộ hoặc khi “chân mình còn lấm bê bê” thì làm sao dám “cầm bó đuốc mà rê chân người” còn tồn tại khá phổ biến.
VIẾT THỊNH
Khai mạc triển lãm “45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh” Cùng ngày, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) , triển lãm “45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh” đã chính thức khai mạc. Triển lãm mô tả thành tựu 45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh của toàn Đảng, toàn dân ta. Triển lãm cũng công bố một số tư liệu, hiện vật quý như máy đánh chữ Bác dùng để viết Di chúc hay bản Di chúc mà anh hùng Phạm Tuân đã mang theo khi bay vào vũ trụ; một số văn bản của Trung ương Đảng triển khai việc thực hiện Di chúc Bác từ những năm 1969... Triển lãm sẽ mở cửa hằng ngày, dự kiến từ nay đến cuối tháng 9-2014. Chúng ta đã làm được nhiều việc để tri ân công lao to lớn của Người. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta thực sự đang có lỗi với Người vì để trong Đảng còn tồn tại nhiều hạn chế, khuyết điểm, gây giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng. TS LƯƠNG NGỌC VĨNH, Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Tuyên truyền Học viện Báo chí và Tuyên truyền |