'Bác sĩ' của những cây đèn măng xông

(PLO)- Gắn bó với thú sưu tầm đèn măng xông đã hơn 10 năm nay, anh Phan Thanh Trung được biết đến là vị "bác sĩ" mát tay, chữa trị kịp cho những cây đèn hư.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gõ từ khóa “đèn măng xông” lên thanh công cụ tìm kiếm trên Facebook, người dùng không khỏi bất ngờ khi có nhiều hội nhóm sưu tầm là nơi để người “chơi” loại đèn này trao đổi và mua bán linh kiện đèn.

Chơi phải cẩn thận, coi chừng "cháy nhà"

Có hơn chục nhóm mang tên “nhóm mua bán đèn măng xông, đèn xưa, linh kiện xưa, bếp xưa", "Hội đèn măng xông, đèn dầu, đèn cổ"...với số lượng thành viên tham gia từ vài ngàn đến chục ngàn mỗi nhóm.

Chúng tôi tình cờ làm quen với anh Phan Thanh Trung (38 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM), admin của trang “nhóm mua bán đèn măng xông, đèn xưa, linh kiện xưa, bếp xưa", được nghe kể câu chuyện về thú sưu tập đèn măng xông của anh.

Anh Phan Thanh Trung vừa sưu tầm và sửa chữa đèn măng xông tại TP.HCM.

Anh Phan Thanh Trung vừa sưu tầm và sửa chữa đèn măng xông tại TP.HCM.

Anh kể, đèn măng xông có mặt tại Việt Nam từ thời thực dân Pháp đô hộ Việt Nam. Sau đó, khi lính Mỹ sang miền Nam thì mang theo những khí cụ cần thiết cho việc hoạt động, chiếc đèn măng xông cùng với bếp dã chiến cũng ồ ạt vào thị trường Việt Nam.

“Sau năm 1975, tình hình đất nước có sự chuyển biến khó khăn hơn, lúc này người dân lấy đồ dùng trong nhà đem bán, trong đó có đèn măng xông. Khoảng những năm 1990 đến thập niên 2000, một vài người bắt đầu mua đèn măng xông trên phương diện món đồ kỷ niệm gắn với tuổi thơ cơ cực ngày trước, dần dần người ta mới chú ý tới việc sưu tầm một cách có hệ thống và bài bản hơn” – Anh Trung giải thích.

Thị trường đèn măng xông trên thế giới có nhiều hãng khác nhau Coleman, Petromax, Anchor, Standard… Mỗi loại xài dạng nhiên liệu khác nhau như “cây” Pertromax của Đức dùng dầu hôi, Coleman của Mỹ thì xài xăng. Một cây đèn nếu đổ tầm 0,5 lít nhiên liệu, xài vừa vừa thì sáng từ 4 đến 8 tiếng.

Dấn thân vào thú chơi đèn măng xông, anh Trung thừa nhận rất thích loại đèn này đến nỗi “mê không lối thoát”. Anh chia sẻ, quá trình tìm một cây đèn còn “zin” – tức chưa bị thay đổi phụ kiện – chuẩn đồ xưa rất khó khăn, vì sau mấy chục năm thì “không sứt đầu, cũng mẻ trán”. Vả lại thị trường đèn tại Việt Nam vẫn còn rất sôi động, người mua kẻ bán nườm nượp, mặc dù độ “hot” không như hồi trước dịch COVID-19 nhưng vẫn có đại gia sẵn sàng bỏ ra từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng để sở hữu một cây đèn nguyên bản. Bởi thế, mua được cây đèn như bắt được vàng.

Có những cây mua về mất cái chụp, chóa đèn, kính…hay bị lủng bình chứa nhiên liệu hoặc hư van điều điều, chỉ cần tìm đúng đồ “zin” ráp lại rồi ngồi hì hục khởi cây đèn thôi cũng đủ thích thú.

Hiện tại, anh Trung sở hữu 7 cây đèn măng xông thương hiệu khác nhau và vài cây đèn bão nhỏ. Quý hiếm nhất trong bộ sưu tập phải kể đến hai cây hiệu Pertromax đánh số 1350N mua được tại chợ Nhật Tảo (quận 10, TP.HCM).

Anh kể: “Sở dĩ quý hiếm vì loại thường chỉ có số 1350, loại đặc biệt có thêm ký tự “N”. Hiện nay, ngoài tôi ra chưa thấy ai ở Việt Nam có”.

Những cây đèn được treo lên cao và được bảo quản bọc kín trong túi ni lông.

Những cây đèn được treo lên cao và được bảo quản bọc kín trong túi ni lông.

Nhắc về lý do anh gắn bó với cây đèn măng xông đã hơn 10 năm nay, anh Trung kể lại kỷ niệm những đêm chợt tỉnh giấc do âm thanh phát ra từ cây đèn măng xông “khè, khè”. Đèn măng xông sở dĩ “kêu” như vậy bởi khi muốn đèn hoạt động, người dùng phải ép nhiên liệu qua một hệ thống bơm bằng tay. Khi mở van, sức ép phun dầu lên hóa thành thể khí qua một lỗ thoát rất nhỏ, gặp mồi lửa nên phực cháy.

Chỉ tay lên phía dàn đèn treo lủng lẳng trên trần nhà và được bọc kín trong túi ni lông, anh nói: "Làm vậy để cho "cục cưng" khỏi bị rỉ sét, với ở nhà có con nhỏ thì mình phải cẩn thận. Có gì là không kịp hối hận".

'Bác sĩ' của những cây đèn măng xông

Phong trào sưu tầm đèn măng xông mỗi ngày thu hút thêm nhiều người quan tâm đến bởi lẽ ngoài là thú chơi nhưng cũng là vật dụng hữu ích trong một số việc sinh hoạt hằng ngày.

Chiếc đèn là cứu tinh cho gia đình anh Trung những đêm đột ngột mất điện, một số người khác thì thích đèn măng xông do chủ động được trong việc thắp sáng mà không cần lệ thuộc vào nguồn điện, có thể mang theo và cất gọn trong hành lý.

Sau khi kiểm tra, anh Trung mồi lửa khởi động đèn măng xông.

Sau khi kiểm tra, anh Trung mồi lửa khởi động đèn măng xông.

“Nhiều người chơi nhưng ít ai biết bảo dưỡng cây đèn đúng cách, hoặc giả dụ muốn sửa chữa, thay thế linh kiện thì không biết địa chỉ nào. Dẫu biết chỗ mua đồ, lấy rồi mà lắp ghép tầm bậy thì cũng như không” – Anh Trung nói.

Nhu cầu chơi đèn măng xông tăng cao, mua bán càng nhiều làm cho thị trường sôi động, nhưng vẫn thiếu nơi để các cây đèn “nghỉ ngơi”, “chữa bệnh” sau quãng thời gian sử dụng. Nắm bắt tình hình đó, anh Trung tự mày mò học cách sửa và mở dịch vụ “cấp cứu” cho đèn măng xông.

“Ngày xưa, cây đèn của ba tôi bị hư nên đem cho người ta sửa. Họ ăn mắc quá nên ba đem về, tôi thấy vậy thì tự mày mò nghiên cứu ra sửa luôn. Nói chung sửa nhiều, mình quen tay thì sẽ có kinh nghiệm, dần dà thấy nghề sửa đèn cũng kiếm thêm thu nhập nên tôi nhận sửa cho anh em, bán thêm mớ linh kiện nữa” – Anh Trung nói.

Đèn sẽ hoạt động trơn tru khi được bảo quản tốt.

Đèn sẽ hoạt động trơn tru khi được bảo quản tốt.

Mặc dù hiện tại đang bận bịu với công việc phụ trách kỹ thuật tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM nhưng anh Trung vẫn luôn giữ thú đam mê đèn măng xông. Lượng khách đến “cấp cứu” lúc đầu đến rất đông vì chỉ có duy nhất anh sửa, mà sửa thì rất nhanh chóng, bắt đúng bệnh chứ không chèo kéo.

Hiện tại, việc sửa đèn không còn dồi dào như trước, do kinh tế eo hẹp nên người chơi cũng dè dặt trong chi tiêu. Trước tình hình đó, anh cũng tặc lưỡi cho qua và hi vọng giới chơi đèn một ngày nào đó cũng "bình phục" như những cây đèn hư hỏng đã được chữa anh "chữa trị" thành công.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm