Mới, lạ nghề chạm khắc trên da

(PLO)- Với tố chất khéo léo, sáng tạo, những người thợ chạm khắc da đã tạo ra các sản phẩm “handmade” tinh tế mang giá trị nghệ thuật.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bạn chắc đã quen với các sản phẩm chạm khắc trên gỗ, đá, kim loại hay vỏ trứng…? Nhưng có lẽ các sản phẩm chạm khắc thủ công trên da Vegtan bằng thảo mộc thì còn rất… lạ.

Tự do sáng tạo

10 năm trước, anh Dương Minh Tuấn (33 tuổi, ngụ quận 6, chủ thương hiệu BaBoleather) lỡ bén duyên với nghề chạm khắc da thủ công. Khi ấy, anh đang là nhân viên có triển vọng tại một ngân hàng lớn ở TP.HCM. Với anh, nghề chạm khắc da thủ công như một môn nghệ thuật khiến anh trót đam mê và hứa “trao thân” đến hết cuộc đời.

Những nghệ nhân chạm khắc trên da thủ công ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung theo anh Tuấn phần lớn đều tự học, tự tìm tòi, tự rút kinh nghiệm và… tự do sáng tạo. Anh chia sẻ: “Ban đầu tự học, tự làm các sản phẩm nhỏ, chi tiết ít phức tạp. Sau đó, các nghệ nhân tự nâng cao tay nghề, đúc rút kinh nghiệm với những tác phẩm phức tạp hơn”.

Các sản phẩm chạm khắc trên da Vegtan thủ công chủ yếu được phân theo hai trường phái là Sheridan - chạm khắc truyền thống theo hoa văn cây cỏ và Free style - chạm phẳng hay thúc khối 3D theo kiểu tự do, với dạng này thì nghệ nhân có thể phóng khoáng sáng tạo với phong cách riêng.

Các sản phẩm anh Tuấn làm ra có thể là 12 con giáp, linh vật, hình ảnh thần Phật hoặc những họa tiết lạ. Từ điêu khắc các sản phẩm chạm khắc đơn giản trên ví da, anh Tuấn dần nâng cao tay nghề khi chạm khắc lên nhiều sản phẩm lớn hơn như tranh, túi xách và cả những tác phẩm khó nhằn theo yêu cầu của khách hàng.

Tương tự, anh Nguyễn Đức Duy (43 tuổi, chủ thương hiệu Tumleather) cũng là một trong những tay ngang trong lĩnh vực chạm khắc thủ công. Cũng ngót nghét đâu đó chừng 10 năm trước, một lần anh tập tành làm chiếc ví tặng bạn và bị “cuốn mất hồn” từ dạo ấy. Từ một “amateur”, không được đào tạo về mỹ thuật nhưng với bàn tay khéo léo, các sản phẩm của anh đều gây ấn tượng mạnh với người chiêm ngưỡng.

Để tạo ra một sản phẩm điêu khắc da, người thợ phải chọn tấm da phù hợp, đây là da bò thuộc thảo mộc xuất xứ từ Ý, Mỹ hoặc Pakistan… rồi lên ý tưởng thiết kế.

Người thợ phải vẽ mẫu, thấm ướt da, dùng một con dao hay tool (công cụ) chuyên dụng rạch các đường, sau đó chạm thúc khối 3D. Cuối cùng phải vẽ màu, chốt màu mới hoàn thành sản phẩm. Toàn bộ quá trình này đều được làm hoàn toàn thủ công. “Các sản phẩm đơn giản như ví nam thì mất khoảng 2-3 ngày để hoàn thành nhưng có những chiếc túi tôi phải mất hơn nửa tháng mới xong” - anh Duy nói.

Anh Nguyễn Đức Duy và các sản phẩm của mình.
Anh Nguyễn Đức Duy và các sản phẩm của mình.

Chạm khắc da Việt xuất ngoại

Thời điểm sơ khai, nghệ thuật chạm khắc da thủ công ở Việt Nam du nhập từ nước ngoài nên những người thợ như anh Duy, anh Tuấn gặp không ít khó khăn khi mua các dụng cụ, da hay màu vẽ, chốt màu… “Thời đó mua dụng cụ rất mắc tiền và khó kiếm. Những người có điều kiện thì có thể đặt hàng từ Mỹ hay Nhật về. Những người không đủ điều kiện thì tự xoay xở và tự chế ra dụng cụ phù hợp cho mình” - anh Duy nói.

Mỗi một chiếc tool chạm khắc da có thể có giá từ 100.000 đến hàng chục triệu đồng hoặc là vô giá nếu là phiên bản của nghệ nhân nổi tiếng và sản xuất giới hạn. Những dụng cụ có giá trị như vậy phần lớn đều do các nghệ nhân người Mỹ sản xuất thủ công.

Theo anh Tuấn, do nghề chạm khắc da thủ công ở Việt Nam mới xuất hiện gần đây, thị trường nhỏ vì chỉ hướng tới một bộ phận khách hàng am hiểu nên thợ Việt gặp không ít khó khăn khi quảng bá sản phẩm, tiếp cận người tiêu dùng.

“Những người như chúng tôi chủ yếu bán sản phẩm, tiếp thị qua Facebook hoặc người mua trước giới thiệu cho người mua sau. Tuy vậy, các sản phẩm thủ công của tôi cũng đã xuất ngoại đi Mỹ, Đức…” - anh Tuấn nói tiếp. Anh tự hào khoe các sản phẩm “handmade” của mình được khách hàng nước ngoài ưa chuộng, đánh giá cao về trình độ, tay nghề, đặc biệt là có giá… mềm.

Anh Duy cũng chia sẻ không những khách hàng nước ngoài mà khách hàng là người Việt cũng “chịu chơi”, sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng để đặt riêng một chiếc túi hay ví không đụng hàng.

Để sống được với nghề, tạo ra các sản phẩm độc bản, giá trị, những người thợ chạm khắc da còn học, chủ động thiết kế các sản phẩm như nút, phụ kiện bằng kim loại quý như vàng, bạc, đồng…

“Chỉ mong một ngày nào đó có nhiều người biết và hiểu được giá trị của những sản phẩm đồ da chạm khắc thủ công được thợ Việt làm ra. Nếu sản phẩm Việt có chỗ đứng, giá ngang tầm quốc tế thì cuộc sống của người thợ sẽ tốt hơn, đồng hành bền vững với nghề” - anh Tuấn chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm