Độc đáo nghề phục chế cổ vật tại Sa Đéc

(PLO)- Chính quyền địa phương cũng đã từng ngỏ ý muốn đưa loại hình này ra các địa điểm du lịch để giới thiệu và thu hút khách du lịch, nhưng vì đặc thù công việc cần sự tập trung cao nên anh đã từ chối.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hiện nay, việc mua cổ vật có tình trạng lành lặn đã trở nên khó khăn hơn, người sưu tầm đã chuyển hướng sang những món đồ hư, bể. Vì thế mà nghề phục chế cổ vật cũng dần phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Anh Nguyễn Khắc Duy cùng với những cổ vật cần được phục chế. Ảnh: QUỐC HƯƠNG

Anh Nguyễn Khắc Duy cùng với những cổ vật cần được phục chế. Ảnh: QUỐC HƯƠNG

Lan tỏa những giá trị xưa cũ

Đi dọc theo con đường Trần Văn Voi nằm bên dòng Sa Giang thơ mộng, du khách không quá khó để ghé thăm cơ sở phục chế cổ vật duy nhất tại TP. Sa Đéc của anh Nguyễn Khắc Duy.

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM về công việc độc đáo này, anh nói: "Năm 2011, tôi kết thúc thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự và trở về nhà điều hành công việc buôn bán đồ cổ cùng gia đình.

Có dịp gặp gỡ nhiều nhà sưu tầm, tôi được biết họ có nhiều bình, ấm, bát chén có từ hàng trăm năm bị hư hỏng nhưng không biết cách để sửa chữa. Nghe câu chuyện đó, tôi liền tìm các món đồ có sẵn trong nhà rồi tự mày mò học cách sửa. Sau thời gian thành thạo kỹ thuật, nó thành luôn cái nghề của mình".

Miệng bình hoa trước và sau khi được trám lại chỗ khuyết. Ảnh: NVCC.

Miệng bình hoa trước và sau khi được trám lại chỗ khuyết. Ảnh: NVCC.

Khi nhận phục chế những món cổ vật hư hỏng như bình hoa, ly uống trà, siêu đun nước…anh thường dành thời gian từ 3 đến 5 ngày để hoàn thiện một sản phẩm.

Cổ vật khi được đưa đến sẽ được thực hiện trong 4 bước:

Đầu tiên dùng loại keo AB chuyên dụng đắp lại phần khuyết, rạn trên món đồ. Sau đó gò lại, tạo hình sao cho giống hình dáng ban đầu.

Bước tiếp theo, dùng giấy nhám chà lên bề mặt làm mất những chỗ gồ ghề.

Cuối cùng là công đoạn pha màu, trang trí lại chỗ khuyết vừa mới hoàn thiện và phủ lên một lớp sơn bóng.

"Khó khăn nhất là công đoạn dùng keo tạo dáng cho chỗ khuyết, gãy. Ví dụ như cái bình trà bị gãy vòi, đôi khi đắp xong thì thấy vòi bị méo, chảy xệ, mình phải tháo ra làm lại sao cho chuẩn dáng. Làm mà không cẩn thận đền cho người ta như chơi' – anh tâm sự.

Nhìn món cổ vật liền lạc trở lại chỉ bằng vài thao tác đơn giản, nhưng theo anh đó là của một quá trình và đòi hỏi cần nhiều thời gian, kiên trì và sự tập trung cao.

Nói về quan niệm làm nghề, anh Duy cho hay: "Tôi luôn giữ cho mình sự thật thà trong công việc. Ngoài ra tôi còn nghĩ mình đang làm văn hóa, tất cả cũng chỉ vì mục đích lan tỏa, lưu giữ những tinh hoa, giá trị xưa cũ đến với tâm hồn con người ngày hôm nay".

Tô, chén, ly uống nước…có tuổi đời hàng trăm năm bị hư hỏng nặng.

Tô, chén, ly uống nước…có tuổi đời hàng trăm năm bị hư hỏng nặng.

Giữ hồn cho cổ vật

Trong những năm gần đây, nghề phục chế cổ vật ra đời không chỉ giúp anh Nguyễn Khắc Duy kiếm sống mà còn là một nét đẹp trong văn hóa. Chính quyền địa phương cũng đã từng ngỏ ý muốn đưa loại hình này ra các địa điểm du lịch để giới thiệu và thu hút khách du lịch, nhưng vì đặc thù công việc cần sự tập trung cao nên anh đã từ chối.

Anh Duy quan niệm công việc phục chế là một việc làm văn hóa nhằm lưu giữ, lan tỏa những giá trị lịch sử.

Anh Duy quan niệm công việc phục chế là một việc làm văn hóa nhằm lưu giữ, lan tỏa những giá trị lịch sử.

"Trước kia cơ quan chuyên trách du lịch tại thành phố cũng có biết đến nghề này, họ đề nghị tôi tham gia hội nhóm bảo tồn di sản để quảng bá một nét đẹp văn hóa tại Sa Đéc. Nhưng khi ngồi làm việc ở không gian đông người sẽ mất tập trung. Vả lại, trong quá trình mài dũa bề mặt cổ vật sẽ sinh ra nhiều bụi mịn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người xung quanh”- anh Duy trải lòng.

Chỉ tay vào những chiếc bình mới vừa được trám lại chỗ bị nứt ở dưới đáy, anh cho biết, đó chỉ là một trong hàng trăm chiếc bình cổ mà anh từng sửa chữa cho khách hàng.

Nhìn món cổ vật liền lạc chỉ bằng vài thao tác đơn giản, tưởng chừng như dễ dàng, nhưng đó là cả một quá trình và đòi hỏi cần nhiều thời gian, kiên trì và sự tập trung cao

Mỗi món đồ qua tay anh Duy đều mang theo câu chuyện buồn vui, mà mỗi khi nhắc lại đều gợi lên ký ức đẹp đối với anh. “Ngày trước có ông chú kia gửi cái bình cắm hoa từ thế kỷ 19 bị bể tan tành cho tôi phục chế, nhìn món đồ lúc đó giống như mất đi cái hồn. Khi làm lại, sửa chữa xong xuôi cũng là lúc mình trả lại cái hồn cho món đồ đó. Thấy cái bình liền lại, họ cảm ơn tôi rồi biếu quà nhiều lắm" – anh kể.

"Rất khó hồi phục lại món đồ xưa. Khi nhận làm tôi thường nói thẳng với khách chỉ hồi phục lại khoảng 80-90% chứ không hoàn hảo được. Nhưng may mắn sau khi phục chế xong người ta cũng chấp nhận, dù không giống như nguyên thủy.

Món đồ chưng vào tủ cũng đẹp, có nhiều người mới vô nghề họ cầm lên không biết đâu, người nào chơi sâu thì sẽ nhận ra ngay" – anh Nguyễn Khắc Duy.

Thú sưu tầm cổ vật

Cụ Vương Hồng Sển, một nhà sưu tầm cổ vật cự phách của Việt Nam nói trong quyển Thú chơi cổ ngoạn rằng sưu tầm cổ vật là thú vui tao nhã, nhàn hạ thấm đậm tính phong lưu. Khi mua được món đồ có giá trị cũng như có công cứu vớt được di vật, chứng tích xưa của thời đã qua.

Cụ quan niệm: “Riêng quan điểm của tôi, một món đồ xưa là một bằng chứng của cổ thời, làm bể nó đi, không khác như ai đã sẽ mất một trang sử liệu. Đồ sành xưa, sở dĩ quý là cái cách chế tác đồ cổ truyền quá tinh vi nay đã thất truyền, dẫu với khoa học tân tiến, tinh xảo đủ mọi mặt, nhưng vẫn chưa tìm nhái lại được cái nước thuốc, nước men cũ hay thể chất của món đồ sứ cũ”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm