Lăng Ông là nơi an nghỉ của một trong những vị chỉ huy quân sự tài ba của lịch sử Việt Nam, người được vua Gia Long và Minh Mạng trọng dụng trong giai đoạn xây dựng đất nước thời nhà Nguyễn.
Theo Bách thư toàn khoa mở Wikipedia, Lăng Ông Bà Chiểu nằm trên một gò đất rộng khoảng 18.500 m2, tiếp giáp giữa bốn con đường: Lê Văn Duyệt, Phan Đăng Lưu, Trịnh Hoài Đức và Vũ Tùng. Mặt tiền lăng hướng đường Vũ Tùng có cổng tam quan đề chữ “Thượng Công Miếu” được xây mới từ năm 1949. Ảnh: QUỐC HƯƠNG. |
Quần thể di tích văn hóa – lịch sử Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt được xây dựng lần đầu từ năm 1848, công việc trùng tu được tiến hành liên tục từ đó đến nay. Theo kỷ yếu của Hội Thượng Công Quý Tế, nhân dịp kỷ niệm lễ Lạc Thành lần thứ 2 năm 1937, sở Công Chánh Gia Định đã vận động nguồn tiền của cư dân và xây lại toàn bộ lăng trên nền miếu cũ. Năm 1989, Lăng Ông Bà Chiểu được Bộ Văn hóa công nhận là di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia.
Công trình này có kết cấu bao gồm: cổng tam quan, hòn non bộ, khu lăng mộ và miếu thờ thần. Xét về cách trang trí, kiến trúc lăng thể hiện nét văn hóa đậm chất Huế, tạo ra một không gian độc đáo và trang nghiêm, là điểm đến hấp dẫn của du khách yêu mến kiến trúc và lịch sử.
Một số hình ảnh khác:
Tả Quân Lê Văn Duyệt sinh năm 1764 tại làng Nhị Bình thuộc tỉnh Mỹ Tho, mất năm 1832. Trong quyển “Lăng Ông sự tích: Hay là tiểu sử quan Tả quân Lê Văn Duyệt” của Phạm Quang Tự có thuật lại chuyện vua Minh Mạng đã phạt tội Lê Văn Duyệt đã chấp dưỡng con nuôi là Lê Văn Khôi và xuống chỉ phá mộ ông, đánh 100 trượng, sau đó lấy xích sắt để lên trên. Năm 1841, vua Thiệu Trị cho xây cất lại khu mộ cho ông và vợ là bà Đỗ Thị Phận. Ảnh: QUỐC HƯƠNG |
Đồ án “Long Mã phụ đồ” được khảm sứ ở đầu hồi Đông lang. Trong bài báo khoa học “Nghệ thuật khảm sành sứ cung đình Huế”, PGS.TS Phan Thanh Bình, Nguyên Hiệu trưởng trường Đại Học Nghệ Thuật, Đại Học Huế cho biết nghệ thuật khảm sành sứ trở thành một trong những chất liệu quan trọng trong biểu cảm giá trị và nội dung của các công trình kiến trúc, phản ảnh xu hướng thẩm mỹ cung đình, những sắc thái văn hóa, tâm linh của cả một thời đại phong kiến. Ảnh: QUỐC HƯƠNG. |
|
Khảm sành sứ theo trang trí kiến trúc cung đình Huế còn là điểm nhấn tại Lăng Ông Bà Chiểu. Ảnh: QUỐC HƯƠNG. |
Đồ án Long hồi trên bờ đao tiền điện là mô típ trang trí dễ dàng bắt gặp ở các không gian kiến trúc cung đình Huế. Trong văn hóa Việt Nam, rồng được xem là linh vật mang lại sức mạnh, thể hiện uy quyền của người cai trị. Ảnh: QUỐC HƯƠNG. |
Tạo hình “Lưỡng long tranh châu” trên mái nhà bia đối diện mộ vợ chồng Tả quân Lê Văn Duyệt. Viên châu ở giữa được ví như trung tâm của vũ trụ, nằm phía giữa 2 con rồng biểu thị cho âm – dương. Cách trang trí hình ảnh này còn nói lên sức mạnh âm dương chi phối vũ trụ một cách cân bằng; trong âm có dương, trong dương có âm. Ảnh: QUỐC HƯƠNG
|
Biểu tượng hổ phù khảm sành sứ trên đầu hồi thường mang ý nghĩa cho sự trường tồn, xua đuổi tà khí. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.
Biểu tượng quả hồ lô âm dương trang trí trên nóc mái tại Lăng Ông Bà Chiểu. Biểu tượng này có hàm ý tạo sự cân bằng giữa trời và đất, tích hợp của nhiều ý nghĩa tâm linh, nhân văn và triết lý vũ trụ – nhân sinh trong quan niệm Tam giáo đồng nguyên. Ảnh: QUỐC HƯƠNG. |
Theo Tiến sĩ Bùi Thị Ngọc Trang, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, Lăng miếu Tả Quân Lê Văn Duyệt là một công trình được đa dạng hóa các phong cách nghệ thuật kiến trúc và trang trí có sự xen lẫn giữa các yếu tố cổ truyền dân tộc và hiện đại. Đây còn là nơi ghi dấu những suy nghĩ, những quan niệm về nhân sinh và vũ trụ của cư dân Nam bộ. Ảnh: QUỐC HƯƠNG. |
Hằng năm cứ vào tối ngày 30 Tết đến rằm tháng giêng, người dân khắp nơi đổ xô về Lăng Ông Bà Chiểu để vãn cảnh, thắp hương, cầu tài lộc và tưởng mộ vị khai quốc công thần thời nhà Nguyễn. Ảnh: QUỐC HƯƠNG. |