Tối 3-12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol có một cuộc họp báo bất ngờ trên truyền hình và ban bố tình trạng thiết quân luật, cáo buộc phe đối lập “có các hoạt động chống nhà nước và âm mưu nổi loạn”, theo hãng thông tấn Yonhap.
“Thiết quân luật nhằm mục đích loại bỏ các lực lượng ủng hộ Triều Tiên và bảo vệ trật tự tự do theo hiến pháp" - ông Yoon nói tại cuộc họp báo.
Tổng thống Yoon không trích dẫn mối đe dọa cụ thể nào từ Triều Tiên, tập trung nhấn mạnh các động thái mà ông cho là mang tính đe dọa từ các đối thủ chính trị trong nước, theo hãng tin Reuters.
Ông Yoon cho biết ông không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải dùng đến biện pháp như vậy để bảo vệ trật tự tự do và hiến pháp.
Quyết định này được đưa ra sau khi Đảng Dân chủ đối lập phản đối dự luật ngân sách cắt giảm tại ủy ban ngân sách quốc hội và đệ trình các động thái luận tội một kiểm toán viên nhà nước và công tố viên trưởng, theo Yonhap.
Theo tờ The Korea Herald, đây là lần đầu tiên Hàn Quốc ban bố thiết quân luật sau 44 năm kể từ vụ bùng nổ phong trào Vận động dân chủ Gwangju vào ngày 18-5-1980.
Các đảng lên tiếng
Phản ứng trước động thái trên, lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền Han Dong-hoon nói rằng tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon là "sai" và ông sẽ "chặn nó" cùng với người dân.
Trong khi đó, đảng Dân chủ đối lập đã triệu tập khẩn cấp các nhà lập pháp thuộc đảng mình đến quốc hội ngay sau khi Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật nhằm thảo luận và bắt đầu các thủ tục cần thiết để ngăn cản thiết quân luật.
Lãnh đạo đảng Dân chủ Lee Jae-myung gọi tuyên bố thiết quân luật khẩn cấp của ông Yoon là "vi hiến", lên án đó là động thái "đi ngược lại với nhân dân".
. Trên mạng xã hội X, cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng nền dân chủ của Hàn Quốc đang bị khủng hoảng.
"Tôi hy vọng rằng quốc hội sẽ hành động nhanh chóng để bảo vệ nền dân chủ của chúng ta khỏi sự sụp đổ. Tôi kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ và cứu vãn nền dân chủ và giúp quốc hội hoạt động bình thường" - ông Moon cho hay.
Cấm các hoạt động đảng phái chính trị
Tổng tư lệnh quân đội Hàn Quốc Park An-su được bổ nhiệm làm tư lệnh thiết quân luật, theo Yonhap.
Ông Park sẽ lãnh đạo bộ tư lệnh quân đội, được thành lập sau khi Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật vào cuối ngày 3-12. Bộ này đã công bố một sắc lệnh cấm mọi hoạt động chính trị, bao gồm biểu tình và hoạt động của các đảng phái chính trị.
Sắc lệnh này có hiệu lực kể từ 11 giờ tối 3-12 (giờ địa phương).
Sắc lệnh này cũng kiểm soát mọi phương tiện truyền thông và nhà xuất bản, ngoài ra còn ra lệnh cho các bác sĩ đang trong thời gian đình công phải ngay lập tức quay trở lại làm việc trong vòng 48 giờ.
Theo sắc lệnh, những người vi phạm thiết quân luật có thể bị bắt hoặc bị đột kích mà không cần lệnh.
. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc đã ra lệnh triệu tập một cuộc họp của các chỉ huy chủ chốt và kêu gọi quân đội tăng cường cảnh giác khẩn cấp, theo Yonhap.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Cơ quan Cảnh sát quốc gia cũng đã triệu tập cuộc họp khẩn.
Lối vào tòa nhà quốc hội đã bị chặn.
. Nhà Trắng cho biết Mỹ đang liên lạc với chính phủ Hàn Quốc, theo dõi chặt chẽ tình hình sau khi Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật.
Quốc hội có thể bãi bỏ thiết quân luật
. Theo The Korea Herald, quốc hội Hàn Quốc có thể bỏ phiếu để bãi bỏ thiết quân luật.
Do đó, thiết quân luật do Tổng thống Yoon ban bố có thể tồn sẽ tại trong thời gian ngắn nếu quốc hội, do đảng đối lập kiểm soát, bỏ phiếu bãi bỏ nó. Hiện đảng Dân chủ đối lập chiếm 170/300 ghế tại quốc hội Hàn Quốc.
Ngay sau khi ông Yoon thực hiện động thái bất ngờ, đảng Dân chủ đối lập đã nhanh chóng hành động để bãi bỏ biện pháp này, mặc dù các báo cáo ban đầu cho biết lối vào tòa nhà quốc hội đã bị chặn theo sắc lệnh khẩn cấp.
Chủ tịch Lee Jae-myung của đảng Dân chủ đã ban hành chỉ thị khẩn cấp cho tất cả các thành viên triệu tập tại phòng bỏ phiếu của quốc hội. Bất chấp các hạn chế về lối vào được áp dụng theo sắc lệnh, các nhà lập pháp đã bắt đầu tập hợp để khởi xướng các nỗ lực nhằm hủy bỏ thiết quân luật.
Tính đến 11 giờ 54 tối 3-12 (giờ địa phương), vẫn chưa rõ có bao nhiêu nhà lập pháp đã vào tòa nhà quốc hội.
Theo luật pháp Hàn Quốc, nếu quốc hội bỏ phiếu thông qua yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật thì tổng thống phải dỡ bỏ nó.
. Quân đội thiết quân luật đã tiến vào khu nhà quốc hội và đang cố gắng vào tòa nhà quốc hội chính, theo Yonhap.
Ba chiếc trực thăng được cho là chở quân đội đã bay vào khu nhà lúc 11 giờ 46 tối 3-12 (giờ địa phương) và một số nhân chứng tuyên bố đã nhìn thấy những người lính có vũ trang xuống trực thăng.
Chỉ các nhà lập pháp, nhân viên quốc hội và phóng viên mới được phép vào khu nhà sau khi kiểm tra ID.
Quân đội đang dựng rào chắn bên ngoài tòa nhà quốc hội chính.
Quốc hội thông qua dự luật chống thiết quân luật
. Chủ tịch quốc hội Hàn Quốc khai mạc phiên họp toàn thể để phản ứng trước thiết quân luật. Hiện không rõ có bao nhiêu nhà lập pháp đã vào được phòng họp.
Quốc hội bỏ phiếu dự luật chống lại sắc lệnh thiết quân luật. Tất cả 190 thành viên có thể vào hội trường chính đều bỏ phiếu ủng hộ dự luật. Không ai bỏ phiếu chống.
Chủ tịch quốc hội Woo Won-shik tuyên bố thiết quân luật vô hiệu.
"Tổng thống nên ngay lập tức dỡ bỏ lệnh thiết quân luật khẩn cấp sau khi quốc hội bỏ phiếu. Bây giờ, lệnh thiết quân luật khẩn cấp đã vô hiệu lực" - ông Woo tuyên bố.
Quân đội thiết quân luật bắt đầu rút khỏi tòa nhà quốc hội sau khi các nhà lập pháp chặn thiết quân luật, theo đài CNN.