Ngày 8-11, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm vụ Nguyễn Hải Nam (cựu phó chánh án TAND quận 4) và Lâm Hoàng Tùng (cựu giảng viên Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM) xâm phạm chỗ ở của người khác.
Bác kháng cáo kêu oan
HĐXX nhận định việc cấp sơ thẩm tuyên các bị cáo phạm tội là có căn cứ. Trên cơ sở giám định và hình ảnh camera ghi lại sự việc xảy ra, hai bị cáo đã có hành vi vào nhà đuổi người lớn và các cháu nhỏ ra khỏi nhà.
Bị cáo Nguyễn Hải Nam tại tòa. Ảnh: MINH TÂM
Tòa cho rằng chỗ ở là nơi người đó đang sống, công trình xây dựng để ở theo Luật Nhà ở. Trên thực tế, bà Hoàng Thị Thu Thảo đã tiếp quản và thực hiện quản lý nhà, công trình đang xây dựng được công an xác định. Việc đăng ký tạm trú, tạm vắng hay không là việc hành chính. Nhà hay nơi ở phải căn cứ vào việc có phải là nơi sinh sống hằng ngày của người đó hay không.
Hai bị cáo đã thực hiện các hành vi phạm tội như án sơ thẩm tuyên và việc xử phạt là thỏa đáng, không oan. Cả hai đã đuổi người bên trong ra khỏi nhà, chiếm giữ căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, sau đó tháo dỡ cửa ra vào, bồn tắm, rèm cửa… là xâm phạm chỗ ở của người khác.
Bị cáo Tùng viện cớ là đồng sở hữu căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm nhưng theo HĐXX, bị cáo không có quyền chiếm lại nhà như đã hành động. “Bị cáo không được phép nhân danh đồng sở hữu xâm phạm chỗ ở của người khác” - bản án phúc thẩm nêu.
Bị cáo Tùng không phải là chủ sở hữu nên lời bị cáo Nam khai thuê một căn phòng trong nhà từ Tùng là không đúng. Là cán bộ tòa án, hơn ai hết, bị cáo Nam biết Tùng không có thẩm quyền cho thuê, sang nhượng căn nhà trên.
Sự có mặt và hành vi đem cháu bé ra xe của bị cáo Nam không phải ngẫu nhiên. Bị cáo Nam chịu trách nhiệm đồng phạm với Tùng. Là cán bộ cơ quan tư pháp nhưng hai bị cáo Tùng và Nam đã thực hiện hành vi gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
HĐXX cho rằng mức án tòa sơ thẩm tuyên là đúng tính chất, mức độ hành vi, đúng người, đúng tội nên bác kháng cáo kêu oan của các bị cáo. Từ đó, tòa giữ nguyên án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Nam 17 tháng tù, bị cáo Tùng hai năm tù, cùng về tội xâm phạm chỗ ở của người khác. Cả hai đã bị tạm giam bằng thời gian này.
Bị hại tiếp tục vắng mặt
Về kháng cáo xem xét thêm tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi của bị hại, tòa cho rằng không có căn cứ nên cũng bác. Hai bị cáo đuổi những người trong nhà ra ngoài vì mục đích chiếm lại căn nhà nên bế các cháu nhỏ ra xe. Hành vi trên không phạm tội như kháng cáo của bị hại đề cập.
Trong phần xét hỏi, bị cáo Tùng khai căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm từng bị Thanh tra Sở Xây dựng lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu chủ đầu tư khắc phục phần sai phạm xây dựng. Công trình không đủ điều kiện để ở và có khả năng gây ra nguy hiểm cho những người ở trong nhà, đặc biệt là các cháu nhỏ.
Khi đến nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, bị cáo thấy có các cháu nhỏ trong nhà. Bị cáo được biết bà Thảo có căn nhà trên đường Nguyễn Trãi nên đưa các cháu này đến căn nhà trên, giao cho cha mẹ của các cháu. Lúc này, trước cửa nhà xuất hiện nhiều phụ nữ gào thét, đòi “trả con cho tôi” nhưng khi bị cáo đưa các cháu ra thì không ai đưa tay đón các cháu.
Bị cáo Tùng cũng cho rằng được chủ nhà ủy quyền đến khắc phục vi phạm xây dựng, hoàn công căn nhà. Đồng thời, bị cáo cho biết bà Thảo không đăng ký tạm trú tại căn nhà này.
Trả lời luật sư về sự việc ngày xảy ra vụ án, bị cáo Tùng nói: “Họ đã tạo tình huống đẩy tôi và anh Nam vào vòng lao lý. Sự việc có dàn xếp trước khi tôi đến và không có bà Thảo trong nhà”.
Còn bị cáo Nam khai hai tuần trước khi xảy ra vụ việc, Tùng gọi điện thoại cho ông nói bà Thảo hứa trả nhà. Hôm đó, ông Tùng gọi điện thoại cho ông nói có người đến quậy và bà Thảo không trả nhà. Ông có gọi điện thoại cho trưởng công an phường và phó chủ tịch phường Đa Kao nhờ xuống hỗ trợ. Khi đến căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông đứng ở ngoài, không vào nhà. Về việc bế các cháu nhỏ, ông Nam cho rằng thấy các cháu nhỏ bị giằng co, không ai bế nên ông mới bế.
Không đồng ý với lời khai của các bị cáo, đại diện VKS đề nghị HĐXX bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Tùng, kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của bị cáo Nam. VKS xác định án sơ thẩm xử đúng người, đúng tội, không oan. Từ đó, VKS đề nghị cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm mà TAND TP.HCM đã tuyên.•
Đối với kháng cáo của bị hại về tội danh và hình phạt, VKS đồng lập luận như với kháng cáo của hai bị cáo rằng mức án tuyên đã phù hợp nên bác. Về trách nhiệm dân sự, tại phiên sơ thẩm, bà Hoàng Thị Thu Thảo vắng mặt nên tòa đã dành quyền khởi kiện ở một vụ án khác là đúng luật. “Quyền lợi về tài sản của bà Thảo được đảm bảo khi bà có đơn khởi kiện tại tòa án” - VKS khẳng định. Vì vậy, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bà Thảo. |