Những năm 1980, qua màn ảnh nhỏ, khán giả cả nước đã được xem những vở cải lương lịch sử bừng bừng khí thế yêu nước chống ngoại xâm như Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga, Câu thơ yên ngựa, Bão táp Nguyên Phong… Những vở cải lương hào hùng ấy dù xem bao nhiêu lần khán giả vẫn nguyên vẹn cảm xúc bởi mang bầu nhiệt huyết hừng hực từ của tác giả, đạo diễn đến nghệ sĩ của một thời kỳ lịch sử đặc biệt.
Những nghệ sĩ cải lương lừng lẫy như Bạch Tuyết, Thanh Sang đã nhớ về không khí những vở diễn trong thời kỳ đau thương nhưng hào hùng, bất khuất này.
“Mình đâu có bỏ lơ đồng bào mình, sao được!”
Nghệ sĩ ưu tú Thanh Sang kể: “Tôi nhớ những năm tháng ấy, đất nước đau thương, nghệ sĩ chúng tôi rất đau xót trước cảnh giặc ngoại xâm xâm lược biên giới. Lúc đó Nhà nước và các đoàn thể tổ chức nhiều đêm hát quyên góp ủng hộ đồng bào miền Bắc nơi bị giặc tấn công, nghệ sĩ chúng tôi chung lòng tham gia. Mình bỏ lơ đồng bào mình sao được!
Sân khấu những năm tháng đó sôi sục không khí những vở diễn lịch sử gợi lòng yêu nước như Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga. Đặc biệt là vở Thái hậu Dương Vân Nga có rất nhiều đoàn dựng, có đến tám Dương Vân Nga do các nữ nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn trong thời gian đó. Các vở diễn đều bừng bừng tinh thần yêu nước. Cả nghệ sĩ và khán giả đều muốn nói với bọn giặc xâm lược rằng người dân nước Việt luôn đồng lòng, không bao giờ sợ hãi trước ngoại xâm”.
Nghệ sĩ Thanh Sang (vai Thi Sách) và Thanh Nga (vai Trưng Trắc) trong vở Tiếng trống Mê Linh
Lãnh sự quán Trung Quốc bỏ về khi xem Thái hậu Dương Vân Nga
Cải lương chi bảo Bạch Tuyết nhớ lại: “Thời điểm đó, theo hiệu lệnh của chú Dương Đình Thảo khi ấy đang là giám đốc Sở VH&TT TP.HCM, có nhiều đoàn cải lương lớn diễn vở Thái hậu Dương Vân Nga. Không khí từ sàn diễn cho đến khán giả đều nóng bỏng tình hình cuộc chiến, theo dõi tin tức từ biên giới phía Bắc.
Khi có tin ta thắng trận lớn, lãnh đạo TP.HCM đã tổ chức một đêm diễn vở Thái hậu Dương Vân Nga mời đại diện ngoại giao các nước tại TP.HCM đến xem. Tôi nhớ khi mình hát đến đoạn “Nói cho bọn giặc Tống biết rằng kẻ vay xương máu từng phải trả bằng máu xương. Ai thích hỏi giáo gươm sẽ được trả lời bằng gươm giáo”, khán giả vỗ tay vang trời. Đoàn lãnh sự quán Trung Quốc thời điểm ấy lục tục bỏ về.
Đến đoạn trao long bào cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, khi tôi vào câu vọng cổ: “Lê Hoàn, mới vừa rồi khanh đã chào hỏi Nguyễn Lưu, trong khi ta và bá quan lơ là với họ. Riêng khanh nhìn vào dân dã, tôn trọng những người chiến sĩ vô danh ngang với các bậc đại công thần…” , khán giả đứng lên vỗ tay rần rần, liên tục. Nghệ sĩ chúng tôi khi ấy đứng trên sân khấu mà vô cùng cảm động. Cả đời này tôi chẳng bao giờ quên những khoảnh khắc đó. Nó là một vinh dự quá sức lớn lao, hiếm có trong đời tôi, trong đời một người nghệ sĩ nói chung“.
Nghệ sĩ Bạch Tuyết trong vở Thái hậu Dương Vân Nga năm 1979
Vai diễn và vở diễn Thái hậu Dương Vân Nga theo nghệ sĩ Bạch Tuyết đi vào lòng khán giả được yêu cầu tái diễn nhiều lần đến tận nay.