Bài thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được chấm ra sao?

(PLO)- Kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ được công bố đồng loạt vào 8 giờ ngày 18-7. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã diễn ra trong hai ngày 28 và 29-6 với hơn 1 triệu thí sinh dự thi. Ngay sau khi kỳ thi kết thúc, việc chấm thi đã được thực hiện khẩn trương.

Khu vực chấm thi được bảo đảm an toàn

Theo văn bản hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT, khu vực chấm thi yêu cầu số lượng, vị trí camera an ninh giám sát ghi hình tại các phòng bảo quản bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, phòng chấm bài thi tự luận phải bảo đảm bao quát được toàn bộ hoạt động trong phòng.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Hội đồng thi TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Hội đồng thi TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Mỗi khu vực chấm thi phải được trang bị 1 điện thoại cố định đặt tại phòng trực của Ban chấm thi, do công an quản lý để liên lạc với Hội đồng thi/ Ban chỉ đạo thi các cấp; mọi liên lạc qua điện thoại đều phải bật loa ngoài và nghe công khai, phải ghi nhật ký có chữ ký của người trực tiếp liên lạc và có công an, thư ký hội đồng thi chứng kiến.

Trước khi chấm thi, trưởng ban chấm thi (tự luận/trắc nghiệm) tổ chức cho những người tham gia công tác chấm thi tự luận/trắc nghiệm đăng ký mẫu chữ ký. Danh sách đăng ký mẫu chữ ký được đóng túi và niêm phong.

Trưởng ban chấm thi tự luận/trắc nghiệm chịu trách nhiệm tổ chức thu thiết bị thu, phát thông tin của những người đang thực hiện nhiệm vụ tại Ban chấm thi tự luận/trắc nghiệm ngay trước mỗi buổi chấm thi.

Thực hiện chấm kiểm tra bài thi tự luận

Trưởng môn chấm thi tổ chức bốc thăm giao túi bài thi cho cán bộ chấm thi.

Khi nhận túi bài thi, cán bộ chấm thi cần kiểm tra niêm phong, kiểm tra số lượng và tình hình của các bài thi/tờ giấy thi trong túi bài thi, nếu có vấn đề phát sinh cần báo cáo ngay.

Giám thị kiểm tra giấy tờ của thí sinh trước giờ thi tại Hội đồng thi TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Giám thị kiểm tra giấy tờ của thí sinh trước giờ thi tại Hội đồng thi TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Mỗi bài thi tự luận được 2 cán bộ chấm thi chấm độc lập, với một số điểm cần lưu ý như không thực hiện việc chấm xong vòng 1 toàn bộ các bài thi rồi mới tổ chức chấm vòng 2; cán bộ chấm thi lần thứ nhất chấm bài thi và chỉ ghi điểm chấm trên phiếu chấm cá nhân; cán bộ chấm thi lần thứ hai chấm trên bài thi, ghi điểm từng ý tương ứng với tổng từng câu bên lề của tờ giấy thi; đồng thời ghi điểm tổng từng câu vào phiếu chấm dành cho cán bộ chấm thi lần thứ hai.

Điểm của các bài thi được hai cán bộ chấm thi thống nhất theo quy định.

Khi chấm xong túi bài thi được giao, cán bộ chấm thi kiểm đếm lại các bài thi/tờ giấy thi trong túi; kiểm tra thông tin trên túi bài thi rồi bàn giao cho Trưởng môn chấm thi hoặc tổ trưởng tổ chấm.

Trong quá trình chấm sẽ có chấm kiểm tra. Mục đích để giúp Trưởng ban Chấm thi tự luận phát hiện, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình chấm thi.

Việc chọn bài chấm kiểm tra là chọn ngẫu nhiên một số bài đã chấm hoặc những bài thi được 2 cán bộ chấm thi cho điểm chênh lệch nhau nhiều trước khi thống nhất điểm hoặc chọn các bài thi có điểm cao trong Hội đồng thi (trên cơ sở thống nhất với Chủ tịch Hội đồng thi) chuyển ban Thư ký Hội đồng thi tập hợp để giao cho tổ chấm kiểm tra.

Chấm thi trắc nghiệm lưu ý phần sửa lỗi sai

Bài thi trắc nghiệm được chấm hoàn toàn bằng phần mềm chấm thi.

Quá trình chấm được thực hiện hoàn toàn trên phần mềm với chu trình khép kín. Sau khi hoàn thành việc cài đặt hệ thống máy tính và phần mềm phục vụ công tác chấm thi, trước khi Ban chấm thi trắc nghiệm thực hiện nhiệm vụ, Chủ nhiệm Hội đồng thi tiến hành đặt các mật khẩu trên phần mềm tại mỗi bước đọc ảnh, sửa lỗi bài thi, chấm điểm;.

Thực hiện quét ảnh phiếu trả lời trắc nghiệm theo quy trình dùng máy quét từng phòng thi, quét xong phiếu trả lời trắc nghiệm phòng thi nào, phải kiểm đếm ngay rồi đóng lại vào phòng thi đó.

Sau khi quét xong toàn bộ các bài thi của hội đồng thi, ban chấm thi trắc nghiệm thực hiện xuất dữ liệu báo cáo trên máy chủ.

Phần mềm sẽ tự động nhận dạng ảnh các bài thi để rút ra các thông tin SBD, mã đề thi và bài làm. Các dữ liệu nhận dạng ban đầu này được lưu vào trong cơ sở dữ liệu của phần mềm.

Phần sửa lỗi bài thi liên quan đến số báo danh, mã đề thi, các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp.

Thí sinh trao đổi bài sau giờ thi. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Thí sinh trao đổi bài sau giờ thi. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Quy trình sửa lỗi sẽ lọc các bài thi có lỗi theo từng túi, cán bộ xử lý sử dụng phiếu thu bài thi để kiểm dò thông tin và sửa chữa sai sót nếu có; bắt buộc phải kiểm tra thông tin SBD, mã đề thi và môn thi/bài thi của tất cả các thí sinh. Căn cứ vào phiếu thu bài thi để xử lý sửa lại những sai sót trong bài làm của thí sinh do phần mềm cảnh báo hoặc do ban chấm thi trắc nghiệm phát hiện.

Một số lỗi phổ biến cần xử lý như không tô SBD, tô sai SBD, tô trùng SBD, không tô mã đề, tô sai mã đề, tô trùng mã đề; lỗi do quét bài dẫn đến phiếu trả lời trắc nghiệm bị biến dạng khiến phần mềm không nhận dạng được SBD và mã đề; thông tin về dữ liệu môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp do Hội đồng thi cung cấp không chính xác với việc tô phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh.

Bên cạnh đó, phần mềm cũng sẽ cảnh báo tất cả các câu không nhận diện được đáp án thí sinh lựa chọn do thí sinh tô quá mờ, tô nhiều đáp án cùng một câu, bỏ trắng câu. Cán bộ xử lý phải kiểm tra và xử lý từng lỗi.

Sau khi hoàn thành việc sửa lỗi bài thi, Ban chấm thi trắc nghiệm thực hiện xuất dữ liệu báo cáo trên máy chủ.

Sau khi thực hiện các bước trên và nhận được đĩa CD đáp án từ Bộ GD&ĐT, Ban Chấm thi trắc nghiệm thực hiện mở niêm phong và nạp dữ liệu từ đĩa CD chứa đáp án nhập từ Bộ GD&ĐT vào phần mềm, so sánh tên của từng bài thi trong tệp tin đáp án được nhập với từng bài thi được lựa chọn để bảo đảm chắn chắn trùng nhau. Thực hiện chức năng trên phần mềm để chấm điểm cho tất cả các bài thi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm