Ban Ái hữu nghệ sĩ phản hồi dư luận về tiền bạc

Sáng 5-6, ban chấp hành Hội Sân khấu TP.HCM có buổi làm việc với PV báo chí để trả lời về những ý kiến của nghệ sĩ Nam Hùng và về những dư luận tiêu cực xung quanh hoạt động của Ban Ái hữu nghệ sĩ - Hội Sân khấu TP.HCM. Cuộc họp có mặt đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP; đạo diễn Nguyễn Hồng Dung - Trưởng ban Ái hữu nghệ sĩ, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP; ông Tôn Thất Cần - Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP.

Chỉ trả lời việc thu chi với hội viên (?)

Trong lá đơn, nghệ sĩ Nam Hùng (cũng như ý kiến của nhiều nghệ sĩ khác ngoài đơn) đặt vấn đề tại sao lại cho thuê nhà truyền thống sân khấu, nơi đặt bàn thờ tam vị thánh tổ của giới nghệ sĩ, là nhà thờ tổ của nghệ sĩ. Bên cạnh đó, nghệ sĩ Nam Hùng và nhiều nghệ sĩ khác cũng đặt vấn đề số tiền cho thuê là bao nhiêu, số tiền mạnh thường quân ủng hộ cho các nghệ sĩ nghèo, khu dưỡng lão nghệ sĩ là bao nhiêu, thu chi như thế nào, tiền quỹ gửi tiết kiệm còn bao nhiêu, vì sao từ lâu không được công khai.

Nhiều thành viên trong ban chấp hành Hội Sân khấu TP như nghệ sĩ Hồng Vân, Kim Tử Long, Mỹ Uyên khi được hỏi cũng nói rằng mình không được biết về con số thu chi này như thế nào. Chủ tịch Hội Sân khấu TP Trần Ngọc Giàu cho biết bản thân ông cũng chỉ biết về con số này một cách tổng thể, còn cụ thể do Ban Ái hữu nghệ sĩ nắm.

Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung - Trưởng ban Ái hữu nghệ sĩ đã trả lời rằng Ban Ái hữu nghệ sĩ  chỉ có trách nhiệm trả lời những câu hỏi về thu chi. “Chúng tôi không thể công khai tài chính cho mọi người cùng biết, trừ trường hợp những hội viên Hội Sân khấu” - bà Dung nói.

Cũng theo bà Dung, từ sau lần xây dựng vào năm 1986, trụ sở Ban Ái hữu 133 Cô Bắc đã xuống cấp mà không có kinh phí sửa chữa. Thêm vào đó nguồn kinh phí nuôi dưỡng nghệ sĩ lớn tuổi ở khu dưỡng lão nghệ sĩ, nguồn tiền trợ cấp cho nghệ sĩ nghèo mỗi tháng do mạnh thường quân đóng góp thường thiếu hụt, không ổn định nên phải cho thuê trụ sở Ban Ái hữu nghệ sĩ để tìm nguồn thu. Việc cho thuê đã được các thành viên Ban Ái hữu nghệ sĩ thông qua và lập đề án trình ban thường trực Hội Sân khấu TP.HCM duyệt thông qua vào ngày 12-8-2017. Giá cho thuê là 4.250 USD/tháng. Điều kiện cho thuê là không được lấy hết nguyên tòa nhà, tên quán cà phê Lacof không được lớn hơn tên nhà truyền thống sân khấu. Từ kinh phí cho thuê, khu thờ tổ đã được chuyển lên tầng hai trụ sở Ban Ái hữu nghệ sĩ, sửa lại khang trang, có lắp thang máy cho nghệ sĩ lớn tuổi. Số tiền mạnh thường quân đóng góp đã được công bố trên số báo Sân Khấu TP.HCM mới nhất.

Tuy nhiên, việc chi tiêu như thế nào, như bao nhiêu tiền dành cho 13 nghệ sĩ đang được nuôi dưỡng ở khu dưỡng lão nghệ sĩ, bao nhiêu dành cho thành viên Ban Ái hữu nghệ sĩ làm công tác quản lý và nhân viên khu dưỡng lão nghệ sĩ, bà Dung nói rằng không thể cung cấp thông tin cụ thể.

Nhà truyền thống nghệ sĩ TP đang bị Ban Ái hữu TP cho thuê khiến giới nghệ sĩ xôn xao. Ảnh: HUỲNH TRƯỜNG GIANG

Chờ quy chế để nghệ sĩ quá cố được quàn xác

Trong đơn gửi Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, nghệ sĩ Nam Hùng thắc mắc tại sao không cho nghệ sĩ nghèo qua đời được quàn xác ở nhà dưỡng lão nghệ sĩ như trước đây. Bà Nguyễn Hồng Dung đã trả lời như sau: Việc quàn nghệ sĩ qua đời ở trụ sở 133 Cô Bắc, quận 1 đã dừng từ nhiệm kỳ VI ban chấp hành Hội Sân khấu TP.HCM. Lý do vì không có quy chế nên việc tổ chức tang lễ phát sinh nhiều vấn đề về an ninh tại địa phương. Các nghệ sĩ làm đám tổ chức ca hát, ăn nhậu suốt đêm gây ồn ào khu phố, bị nhắc nhở… Gần đây, khu dưỡng lão nghệ sĩ ngoài việc cho quàn các nghệ sĩ là thành viên của khu dưỡng lão khi qua đời còn cho quàn các nghệ sĩ là hội viên Hội Sân khấu TP.HCM qua đời mà gia đình khó khăn. Tuy nhiên, việc này cũng nảy sinh những phức tạp như trong đám tang một nghệ sĩ, nhiều chủ nợ của con trai bà, vốn bị nghiện, đã đến ngồi suốt để đòi thu tiền phúng điếu trừ nợ. Ban quản lý khu dưỡng lão nghệ sĩ đã phải mời công an đến đề phòng trường hợp xấu và đề nghị phía dịch vụ tang lễ thu trước chi phí để phòng thất thoát. Vậy nên hiện việc quàn nghệ sĩ quá cố tại khu dưỡng lão nghệ sĩ cũng tạm dừng luôn, chờ xin UBND, Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM quy chế xây một nhà tang lễ nơi đây.

Ông Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, cho biết đồng thời việc quàn nghệ sĩ tại 133 Cô Bắc và khu dưỡng lão nghệ sĩ cũng vẫn phải tạm dừng chờ quy chế.

Lý lẽ cho thuê thiếu thuyết phục

Chúng tôi không chấp nhận lời giải thích vì mặt bằng nhếch nhác nên cho thuê để người thuê mặt bằng cải tạo, sửa sang cho đẹp, đồng thời có thêm khoản thu để chăm lo cho các nghệ sĩ ở Viện Dưỡng lão nghệ sĩ và nghệ sĩ nghèo. Nếu để nhà thờ tổ nhếch nhác, xuống cấp thì là lỗi của Ban Ái hữu nghệ sĩ và những người có trách nhiệm của Hội Sân khấu. Mấy chục năm trước, khi đời sống còn nhiều khó khăn, Ban Ái hữu nghệ sĩ vẫn vận động được nhiều tài trợ, chăm lo được cho các nghệ sĩ, công nhân sân khấu nghèo mà vẫn còn có khoản dư gửi ngân hàng. Năm 1998, Ban Ái hữu nghệ sĩ gồm: Soạn giả Mai Quân, soạn giả Việt Thường và tôi từng vận động được hơn 300 triệu đồng.

Nghệ sĩ Nam Hùng

Ngôi nhà thứ hai của nghệ sĩ ít người lui tới

Trụ sở Ban Ái hữu nghệ sĩ là ngôi nhà thứ hai mà nghệ sĩ hay đến đó hàn huyên, chia sẻ mọi chuyện trong cuộc sống. Nhiều nghệ sĩ nghèo, gánh hát nghèo thỉnh thoảng vẫn góp tiền cho Ban Ái hữu nghệ sĩ mà duy trì. Tài chính là thứ rất quan trọng nhưng có những thứ người ta không thể dùng tiền để mua. Tầng trệt, lầu một cho thuê, ngai Ông giờ chuyển lên lầu hai, chật hẹp hơn, phải leo cao hơn và cũng ít người lui tới hơn.

Nghệ sĩ KIM CƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm