Việc các báo đăng tải công khai hình ảnh của các cô mà không hề làm mờ mặt đã gây ra nhiều tranh cãi. Người bảo không được đăng như thế vì bán dâm không phải là tội, người nói “cứ đăng” với quan điểm “dám làm, dám chịu”…
Nghi can Lê Bảo Lộc - người tổ chức đường dây mại dâm ngàn USD. Ảnh do công an cung cấp.
Sau khi bị bắt, các cô thừa nhận sau nhiều lần “đi khách” giá cao đã rủ rê bạn bè, đồng nghiệp tham gia. Mỗi lần giới thiệu, các cô “cắt cò” một nửa. Tính ra bản thân các cô vừa bán dâm, đồng thời cũng môi giới mại dâm, tức có đến hai hành vi vi phạm pháp luật. Nếu hành vi bán dâm đơn thuần là vi phạm hành chính thì hành vi “dụ dỗ hoặc dẫn dắt của ngườilàmtrung gian để các bên thực hiện việc mua dâm, bán dâm” lại bị xem là tội phạm. Đây là lý do mà họ đã bị khởi tố về tội môi giới mại dâm.
Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn cho báo chí một số quyền trong việc đăng ảnh để phục vụ mục đích truyền thông. Theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 51/2002 thì báo chí không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó (trừ ảnh thông tin các buổi họp công khai, sinh hoạt tập thể, (…), những người có lệnh truy nã, các cuộc xét xử công khai của tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án). Còn theo điểm e khoản 2 Điều 8 Nghị định 159/2013 thì báo chí không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác (nhưng quy định khác là gì thì không rõ!).
Như vậy, việc tự đăng ảnh nhân vật là nghi can hoặc bị can trong các vụ án hình sự (trong tình huống cụ thể này là bị can tội môi giới mại dâm) cũng là vi phạm? Có thể việc này còn phải chờ các cơ quan chức năng minh định thêm vì lâu nay báo chí vẫn đăng bình thường. Song nếu đó chỉ là người bán dâm thì trong việc “cận cảnh nhan sắc”, đích thị báo chí đã vi phạm vì “đã tuyên một bản án giam cầm chung thân nhân phẩm của họ” như cách nói của một nhà báo.
Dẫu còn có những nhận thức, quan điểm trái chiều nhưng mại dâm đang được nước ta chấp nhận như là một tồn tại xã hội và được giải quyết trên cơ sở tôn trọngquyền con người, đối xử công bằng. Hiện theo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì người bán dâm không còn bị đưa vào cơ sở chữa bệnh hoặc được giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà chỉ bị xử phạt hành chính (phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000-300.000 đồng…).
Dường như không để ý những thay đổi nhân văn này của luật pháp và các phép tắc đăng ảnh nêu trên nên nhiều người đang “hả hê” với việc khai thác thông tin bán dâm và cả những thông tin về đời tư của các cô. Tuy trước đó khá mờ nhạt trong giới người mẫu nhưng giờ chỉ vì bán dâm mà hoàn cảnh gia đình, danh tính, hình ảnh, nghề nghiệp của chồng (thậm chí là mẹ chồng) sắp cưới của các cô… lộ mồn một trên mạng?! Khi bán dâm không phải là tội phạm, hà cớ gì người bán dâm và nhất là người thân thiết của họ lại bị báo chí “vạch mặt, bêu tên”?
“Nhiều phóng viên tỏ ra rất nhanh khi tranh nhau đưa thông tin “người mẫu bán dâm”, hết trên mạng rồi đến Facebook của chính mình, thậm chí còn vào Facebook của mấy cô này lấy ảnh đưa lên mạng như một chiến tích nghề nghiệp. Phải chăng là thời mạt vận của báo chí?”. Xét về lý lẫn tình thì cách ghi nhận và đặt vấn đề (được lược ghi) này của một nhà báo quả rất đáng ngẫm.
THU TÂM