Bán dạo, bói toán chèo kéo khách viếng chùa

 Nhiều bạn đọc phản ảnh: Khu vực chùa Bà Bình Dương, chùa Bà Chúa xứ núi Sam ở thị xã Châu Đốc (An Giang) bát nháo chẳng khác chợ trời. Ở chùa Bà Châu Đốc 2 (huyện Nhà Bè), chùa Giác Lâm (quận Tân Bình, TP.HCM) bói toán “quậy tưng”…

Kẻ nắm áo, người cầm tay

Tại phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương), khách viếng chùa Bà Bình Dương (còn gọi là chùa Thiên Hậu) không khỏi bất ngờ trước cảnh lộn xộn, chèo kéo của những người buôn bán ngoài sân chùa.

Cách chùa hơn 100 m đã có hàng chục người bán nhang, hoa, vé số… kéo dài như kiến cỏ, nài nỉ du khách mua hàng. Nhìn thấy bất cứ du khách nào, họ liền bám theo như hổ tìm thấy mồi, kẻ nắm áo, người cầm tay lôi kéo để khách mua cho bằng được. Có những người hành hương đã mua nhang rồi nhưng để không bị làm phiền đành phải mua thêm nữa. Ngay trước cổng ra vào, hàng chục người bán vé số, ăn xin đứng, ngồi xếp hàng dài mời kéo khách đi lễ chùa.

Cách chùa này khoảng 200 m có một ngôi chùa thường gọi là chùa Ông Ngựa. Tuy khách vắng vẻ hơn nhưng nạn vòi tiền khách diễn ra công khai cả trong và ngoài cửa chùa. Trước cổng chùa có một con ngựa cao khoảng một mét rưỡi để khách chui qua với mong muốn có may mắn và tiền lộc. Tiền lộc đâu không thấy nhưng mỗi khi khách hành hương chui qua thì lại có hai, ba người ngồi bên trong đưa phong bao đỏ và nói là “lì xì đầu năm”. Ngay sau đó, nhóm người này liền kéo khách lại và đòi hỏi theo kiểu “tùy tâm” nhưng khách cũng phải đưa từ 10.000 đến 50.000 đồng chúng mới để yên.

Lợi dụng cảnh đông người, tội phạm cướp giật cũng xảy ra liên tục. Theo ban trị sự chùa, tính từ ngày mùng một tết đến nay, trong phạm vi chùa đã xảy ra hơn 40 vụ cướp giật, cao hơn nhiều so với năm ngoái và có thể còn phức tạp hơn trong những ngày cao điểm rằm tháng Giêng tới.

Bán dạo, bói toán chèo kéo khách viếng chùa ảnh 1

Nhiều người buôn bán ngay trước cổng chùa Bà Bình Dương thường xuyên gây phiền toái cho du khách. Ảnh: PHẠM ANH

Phịa chuyện giải hạn

Chiều 31-1, có mặt tại miếu Ngũ Hành (chùa Bà Châu Đốc 2) ở đường Huỳnh Tấn Phát, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè (TP.HCM), chúng tôi thấy chen giữa những dòng người đông đúc viếng chùa là vô số những người bán nhang đèn kiêm mời gọi xem bói, cúng giải hạn...

Từ chỗ gửi xe bước ra được vài bước, chúng tôi bị một phụ nữ cản lối bằng vài bó nhang cùng xấp vé số. Thấy chúng tôi từ chối, chị này chuyển giọng: “Đầu năm đi chùa, nếu cần giải hạn thì tôi sẽ kiếm giúp thầy (người xem bói) cúng giải hạn. Thầy này rất cao tay, nhiều người tới hạn được thầy giải làm ăn phất lên dữ lắm” (?). Quanh khu vực chùa, chúng tôi nhận thấy luôn có sẵn một đội ngũ đông đảo công khai chèo kéo khách viếng chùa xem bói. Giá xem mỗi quẻ dao động từ 50.000 đến 100.000 đồng.

Tại chùa cổ Giác Lâm (phường 10, quận Tân Bình, TP.HCM) có một số khách viếng chùa đang lầm rầm khấn vái, tay rung lắc liên tục những ống săm trước miếu Bà bên hông chùa. Sau khi ống săm rớt ra một cây săm có số, những người khách này nhặt lấy bước tới nhận lá săm theo số và đọc lấy đọc để. Chúng tôi nhận đại một lá săm, vừa đọc vừa bước ra ngoài khuôn viên chùa thì được một người đàn ông nói nhỏ vào tai: “Chú em coi quẻ, coi tướng và cúng giải hạn đi, quẻ săm của chú em không tốt đó. Bảo đảm thầy đoán trúng và linh nghiệm 100% với giá mềm…”. Thấy chúng tôi lắc đầu, người này liền bỏ đi mời những người khác. Quan sát dọc theo con đường dẫn vào chùa, chúng tôi thấy khoảng bốn, năm người nam lẫn nữ chuyên đi theo khách viếng chùa để mời mua vé số hoặc nhang và thầm thì vào tai khách những câu chào mời xem bói.

Trong khuôn viên lăng Tướng quân Lê Văn Duyệt (Lăng Ông - Bà Chiểu) tại phường 1, quận Bình Thạnh cũng có gần chục người chuyên chào mời khách xem bói.

Công khai trấn lột

Tại phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc (An Giang), vừa đến chùa Tây An, chúng tôi bị một người đứng giữa đường dang tay chặn, mời gửi xe máy. Quanh đó, nhiều người bán nhang đèn, muối gạo, chim phóng sinh… chặn đường nhiều du khách đang tiến vào chùa Bà.

Nhiều người dân cho biết tình trạng mất trật tự ở chùa Bà Chúa xứ núi Sam hàng thập niên nay vẫn vậy. Cách thức bán hàng tính tiền như cướp cạn của dân bán dạo vẫn bổn cũ xài hoài. Mạnh ai nấy giành giật khách miễn sao có nhiều tiền bỏ túi là được.

“Khách hỏi mua chim phóng sinh thì người bán nói giá 5.000 đồng/chục. Khi khách thả chim xong liền bị tính 5.000 đồng/con và thả 10 con thì chúng đòi tiền 30-40 con. Bịch muối, gạo giá 15.000 đồng, người bán kêu khách mang vào chùa cúng rồi mới tính tiền. Khi khách cúng xong ra ngoài chúng đòi cả trăm ngàn đồng. Nếu trả đủ tiền thì hẹp cho khách, còn bằng không thì… bị đánh. Bình thường người bán chim cũng kiếm được bạc triệu mỗi ngày, nếu giỏi trấn lột thì thu nhập tới 3-4 triệu đồng/ngày” - nhiều người dân ở địa phương kể.

Vào mùng bốn tết, ba người bán chim tại chùa này đánh một người khách phải chở đi cấp cứu. Ngày 30-1, một khách hành hương cũng bị nhóm bán muối, gạo đánh. Dân sống quanh chùa Bà chứng kiến cảnh chụp giật, cãi vã, la hét của người bán chim, nhang đèn riết cũng nhức đầu.

Một người dân bức xúc: “Khi công an đi tuần thì nhóm bán dạo giải tán, vừa khuất dạng thì họp lại. Có nhiều trường hợp mua bán dạo chỉ là trò trá hình của bọn xì ke, giang hồ để móc túi khách. Vậy nên mới có chuyện hở ra là xách mã tấu đâm chém”.

Bán dạo, bói toán chèo kéo khách viếng chùa ảnh 2

Một người bán chim phóng sinh đang chèo kéo khách ở chùa Bà Chúa xứ núi Sam. Ảnh: VĨNH SƠN

Chính quyền đang bó tay?

Theo ông Nguyễn Quốc Thanh, Chủ tịch UBND phường 1 (quận Bình Thạnh), phường vẫn thường xuyên cho lực lượng truy quét, thu gom các sách bói toán, tử vi, những tờ bát quái, những bộ bài bói… để bảo đảm an ninh, trật tự khu vực Lăng Ông - Bà Chiểu. Sở dĩ còn xảy ra nạn chèo kéo khách viếng lăng coi bói vì các đối tượng xấu thường giả dạng người ngồi chơi khi có mặt lực lượng chức năng. Dù biết rõ những đối tượng này nhưng phường không thể xử lý vì chúng hoạt động rất kín đáo.

Trung tá Nguyễn Hồng Đăng, Trưởng Công an phường Núi Sam, thừa nhận: Hầu như ngày nào ở chùa Bà cũng xảy ra ẩu đả, còn hoạnh họe khách thì mỗi ngày có hàng chục vụ. Ông Đăng cho rằng chính quyền nên tổ chức mở gian hàng bán các loại vật phẩm cúng Bà. Nếu cứ để như hiện nay thì không bao giờ chấm dứt được nạn trấn lột.

Ông Phan Hồng Vân, Chủ tịch UBND thị xã Châu Đốc, cho biết: “Việc chèo kéo, trấn lột khách đến chùa Bà Chúa xứ đang là vấn nạn của địa phương. Tình hình chỉ tạm lắng khi có công an truy quét rồi sau đó trở lại y cũ. Giải pháp trước mắt vẫn là tăng cường lực lượng giữ gìn trật tự chứ dọn sạch thì không thể được”.

Cảnh mất trật tự ở chùa ngày càng hết sức phức tạp. Từ chèo kéo của những người bán hàng dạo mà từ mùng một tết đến nay gần như ngày nào cũng kẹt xe trước cửa chùa. Hễ chùa phản ánh thì chính quyền địa phương bảo lực lượng công an mỏng, xử lý không xuể. Cứ thế mà tình trạng trấn lột khách lặp đi lặp lại hết năm này đến năm khác.

Ông PHAN VĂN TRẮNG, Trưởng ban Quản trị lăng miếu Núi Sam (An Giang)

Hằng năm, nạn sư giả, bán vé số, nhang, ăn xin, cướp giật…diễn ra rất phức tạp quanh khu vực chùa. Chùa đã nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền giải quyết, riêng ban trị sự chùa chỉ chịu trách nhiệm quản lý và giám sát trong phạm vi từ sân chùa trở vào. Vì vậy, ban trị sự rất bị động và khó giải quyết triệt để những vấn đề này.

Ông TRẦN VĨNH AN, Phó Thường trực Ban Trị sự chùa Bà Bình Dương

NHÓM PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm