'Bán đất' kèm thỏa thuận lãi suất: Viện nói giả cách, tòa công nhận hợp pháp

(PLO)-  Viện cho rằng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất kèm thỏa thuận lãi suất là giả cách nhằm che đậy một giao dịch khác nhưng tòa bác.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-6, TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Thiên Lộc với bị đơn là ông NVH và bà LTNTh.

Tại tòa, đại diện nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và khởi kiện ban đầu, yêu cầu tòa tuyên huỷ hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 26-4-2014 giữa Công ty Thiên Lộc và ông H, bà Th vì hợp đồng này là giả cách để vay tiền của bị đơn.

Còn đại diện bị đơn thì phản bác, cho rằng không có việc cho vay, bản chất hợp đồng là chuyển nhượng QSDĐ.

Phiên phúc thẩm được mở do có kháng cáo của nguyên đơn và kháng nghị của VKS. Ảnh: HD

Phiên phúc thẩm được mở do có kháng cáo của nguyên đơn và kháng nghị của VKS. Ảnh: HD

Phát biểu quan điểm về vụ án, đại diện VKSND TP Cần Thơ đồng quan điểm với kháng nghị của Viện trưởng VKSND quận Cái Răng, xác định hợp đồng là giả cách.

Bởi cùng ngày với việc ký hợp đồng chuyển nhượng, hai bên còn ký thoả thuận lãi suất là 5%. Công ty đã trả trước ba tháng tiền lãi là 150 triệu đồng, sau đó vẫn tiếp tục trả lãi cho ông H.

Điều này thể hiện bản chất của hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ là tài sản đảm bảo cho khoản vay 1 tỉ đồng chứ không như phía bị đơn trình bày số tiền lãi là khoản bù đắp cho bị đơn trong thời gian chưa đăng ký chuyển nhượng theo hợp đồng.

Đại diện VKSND TP Cần Thơ trình bày quan điểm giải quyết vụ án tranh chấp. Ảnh: HD

Đại diện VKSND TP Cần Thơ trình bày quan điểm giải quyết vụ án tranh chấp. Ảnh: HD

Về giá chuyển nhượng, thời điểm này đất tranh chấp (2.400m2) được định giá tương đương 6 tỉ đồng, lúc đó công ty đang gặp khó khăn về tài chính thì không lý do gì lại chỉ chuyển nhượng giá thấp hơn nhiều lần so với thị trường.

Ngoài ra, đại diện VKS cho rằng nếu hợp đồng hai bên có thoả thuận giá như trên thì có cũng vi phạm, đó là hành vi trốn thuế vì giá đất thấp hơn gấp 6 lần so với giá nhà nước quy định.

Mặt khác, khi tòa sơ thẩm tiến hành thẩm định phần đất tranh chấp, bị đơn cũng không xác định được tứ cận thửa đất dù đã chuyển nhượng trên 7 năm. Từ đó cho thấy, việc chuyển nhượng đất giữa nguyên đơn và bị đơn là không có thật mà chỉ đảm bảo khoản tiền vay.

Từ những phân tích trên, đại diện VKS cho rằng có đủ cơ sở xác định hợp đồng là giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác và bị vô hiệu tại thời điểm xác lập; tòa sơ thẩm công nhận hợp đồng là không đúng quy định.

Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên sửa toàn bộ bản án sơ thẩm theo hướng tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng trên là vô hiệu, buộc Công ty Thiên Lộc phải trả tiền gốc và lãi suất cho bị đơn với số tiền hơn 2,1 tỉ đồng.

Tuy nhiên, HĐXX lại cho rằng, căn cứ vào Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006 thì Công ty Thiên Lộc có đủ điều kiện kinh doanh bất động sản. Việc chuyển nhượng QSDĐ thuộc dự án là giao dịch chuyển nhượng giữa tổ chức và cá nhân, có hiệu lực từ thời điểm cam kết ký kết hợp đồng trừ trường hợp hai bên có thoả thuận công chứng.

Toà tuyên giữ y bản án sơ thẩm. Ảnh: HD

Toà tuyên giữ y bản án sơ thẩm. Ảnh: HD

Căn cứ vào Điều 39 của luật này thì hợp đồng CNQSDĐ đúng về cả nội dung và hình thức. Về giá chuyển nhượng là do hai bên thoả thuận phù hợp với Điều 68

HĐXX cho rằng biên bản thoả thuận có nội dung quy định về lãi suất, thời gian chuộc thì cũng không thể suy diễn là hành vi che đậy việc vay như nguyên đơn trình bày. Bởi lẽ nội dung thoả thuận chỉ nhằm đảm bảo việc thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ các bên.

Cụ thể, bị đơn đã trả tiền đầy đủ cho công ty nhưng không sang tên được còn công ty Thiên Lộc nhận 1 tỉ đem đầu tư kinh doanh nhưng không thực hiện nghĩa vụ thì việc các bên có thoả thuận công ty phải trả lãi trong thời hạn chưa hoàn tất nghĩa vụ là đương nhiên.

Do đó, HĐXX tuyên bác kháng cáo của nguyên đơn và kháng nghị của VKS, giữ nguyên bản án sơ thẩm, buộc công ty Thiên Lộc phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm