Sau bài viết "Bộ Công an muốn quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe", Pháp Luật TP.HCM đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc về vấn đề này.
Theo đề xuất của Bộ Công an, việc sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX) sẽ được chuyển từ Bộ GTVT về Bộ Công an. Theo đó, Bộ Công an sẽ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ, bao gồm việc sát hạch và cấp, đổi, thu hồi GPLX…
Lo ngại vừa đá bóng, vừa thổi còi
Theo bạn đọc Lê Tiến, công an là cơ quan giám sát việc thực thi pháp luật. Không nên ôm nhiều quá khiến bộ máy lại phình to. GPLX hãy để Bộ GTVT cấp.
“Hãy để cho Bộ GTVT quản lý và khi có vi phạm về điều khiển phương tiện giao thông, Bộ Công an vào cuộc sẽ khách quan hơn để tránh "vừa đá bóng, vừa thổi còi" - bạn đọc TAM NGUYEN góp ý.
Còn bạn đọc GIANG HN thì cho rằng Bộ Công an cứ làm tốt công tác nhiệm vụ hiện nay trước đã. Khi nào làm tốt được mới làm thêm việc của ngành khác.
Nhiều ý kiến cho rằng không nên xáo trộn việc cấp GPLX, vì không cần thiết. Ảnh minh họa: L.THY
Theo bạn đọc TUẤN…: "Chẳng lẽ vì còn thiếu sót mà phải giao Bộ Công an quản lý? Câu chuyện xe vua ở Đồng Nai, rồi Đường "nhuệ" đang diễn ra tại Thái Bình... ngành công an nên tập trung theo dõi và xử lý tiêu cực (nếu có ) trước đã".
Còn bạn đọc PHẠM HIỀN thì cho rằng việc quan trọng nhất bây giờ là chất lượng đầu ra của học viên và ý thức tham gia giao thông của người dân. Cho dù cơ quan nào quản lý việc cấp GPLX và đào tạo lái xe đi nữa thì việc tổ chức sát hạch như thế nào mới là quan trọng.
Tỉ lệ người mới được cấp GPLX bị tai nạn giao thông rất thấp, bởi sự cẩn thận và chưa có kinh nghiệm xử lý các tình huống trên đường nên họ rất cẩn thận trong quá trình tham gia giao thông
Nên tránh sự xáo trộn
Ông Nguyễn Văn Chánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho rằng việc thay đổi hay điều chỉnh thì cần có sự đánh giá giữa hai bên về ưu và nhược điểm để đưa ra sự quyết định. Tuy nhiên, đứng trên vai trò của một doanh nghiệp vận tải thì ông Chánh cho rằng vẫn nên duy trì là Bộ GTVT hiện nay để tránh sự xáo trộn có thể xảy ra.
Anh Lâm Chí Dũng (Hậu Giang) nhận xét: Trước giờ, việc làm này của ngành giao thông, người dân cũng đã quen và ngành này làm cũng rất tốt. “Nếu chuyển qua Bộ Công an sẽ khó cho người dân trong việc làm lại GPLX. Hơn nữa, nếu chuyển giao về cho Bộ Công an thì đơn vị này đảm trách nhiều công việc, trong khi đó ngành giao thông lại mất một đầu công việc” - anh Dũng nói.
Cùng quan điểm, ông CA, một thầy giáo dạy lái xe ô tô ở Cần Thơ, bày tỏ nếu cho rằng việc đào tạo, sát hạch GPLX hiện còn nhiều vấn đề cần khắc phục nhưng chuyển cho Bộ Công an phụ trách là không cần thiết. Bởi hiện nay nhân lực, vật lực của ngành giao thông đã được trang bị đầy đủ để thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Nếu cho rằng việc thi cấp GPLX có tiêu cực thì Bộ Công an có đủ thẩm quyền phân cấp để giám sát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Việc đấu tranh phòng chống tội phạm là công việc chuyên môn hàng đầu của ngành công an, không chỉ riêng vấn đề thi cấp GPLX mà còn tất cả các lĩnh vực khác mà Bộ luật Hình sự, BLTTHS đã quy định.
“Chung quy lại, điều quan trọng nhất là làm sao nâng cao chất lượng bằng việc công khai, minh bạch, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật thì không nhất thiết phải giao lại Bộ Công an quản lý thì mới là hiệu quả nhất” - ông CA phân tích.
Theo một lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM, công tác sát hạch, cấp đổi GPLX hiện nay đơn vị vẫn đang thực hiện bình thường. Việc chuyển đổi là không cần thiết vì sẽ gây lãng phí về cơ sở vật chất, thời gian và con người. Bên cạnh đó, toàn bộ nhân lực từ Sở GTVT cũng không thể chuyển sang công an sẽ lãng phí và làm cồng kềnh bộ máy.
Ngoài ra, nếu chuyển về Bộ Công an tức là một đơn vị vừa tiến hành kiểm tra, xử phạt lại cấp đổi GPLX, không khác gì “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Việc chuyển đổi cần có sự đánh giá từ các cơ quan nhà nước xem đơn vị nào quản lý là phù hợp nhất.