Cảnh báo tình trạng trẻ tự tử

Cảnh báo tình trạng trẻ tự tử ảnh 1

Ông Nguyễn Trọng An, phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), cho biết khảo sát năm 2005 có khoảng 400 bạn trẻ dưới 18 tuổi tự tử, thì từ năm 2010 đến nay con số này luôn ở mức 600 ca/năm. So với Hàn Quốc và Trung Quốc là hai quốc gia có tình trạng tự tử khá cao ở thanh thiếu niên, VN không thua kém nhiều.

"Có đủ nguyên nhân khiến trẻ nảy ra ý định tự tử: thi trượt, bị cha mẹ hay thầy cô giáo mắng, bị bạn bè chê cười; cũng có khi nguyên nhân khiến trẻ nảy sinh ý định tự tử nghiêm trọng hơn: bị xúc phạm danh dự, bị nghi lấy trộm đồ của hàng xóm... Tuy nhiên với đại đa số trẻ em có cách xử lý khác như báo với cha mẹ, thầy cô, tìm sự an ủi của bạn bè, người thân thì những trẻ này lại quyết định tự tử"

Ông Nguyễn Trọng An (phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em)



Chưa chú ý tới biện pháp “phòng”

“Chúng ta chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm về phòng ngừa các ca tự tử ở trẻ em. Về hệ thống y tế học đường, tôi cho rằng đang rất yếu trong việc tư vấn tâm lý cho trẻ. Trong khi đó nhiều bậc cha mẹ chưa chú ý lắm đến tâm lý dễ tổn thương của con mình. Ở các bệnh viện, kể cả bệnh viện tâm thần, mới chú trọng nhiều đến điều trị, kiểu có bệnh thì đến chữa chứ chưa chú ý đến tư vấn tâm lý để phòng ngừa” - ông An nhận xét.

Ông An cho rằng trẻ gặp khó khăn (đôi khi chỉ là những rắc rối rất nhỏ) đã tự tử là trẻ có tính cách nghệ sĩ yếu. TS Đinh Đăng Hòe, chuyên gia tâm lý và sức khỏe tâm thần Bệnh viện Hồng Ngọc (Hà Nội), phân tích thêm con người có ba loại tính cách chính: trung gian (là những người bình thường), tính cách nghệ sĩ là những người cảm xúc nổi trội, dễ vui dễ buồn, dễ cáu giận, dễ xúc động, hay phản ứng bằng cảm xúc chứ ít khi đợi suy nghĩ thấu đáo, quyết định bằng lý trí. Loại tính cách còn lại là người thiên về lý trí, ngược lại với người có tính cách nghệ sĩ. Đây là những người thường bị coi là khô khan, hay suy nghĩ thấu đáo trước khi quyết định.

Bên cạnh đó, bác sĩ Thái Thanh Thủy, trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM), cho biết thông thường trẻ có ý định tự tử trong độ tuổi dậy thì (13-18) do đây là lứa tuổi dễ gặp khủng hoảng tâm lý. Ở lứa tuổi này các em muốn khẳng định mình đã lớn, muốn khẳng định cái tôi, tâm sinh lý bị xáo động nên phát sinh những mâu thuẫn, xung đột với gia đình và những mối quan hệ xung quanh.

Điểm tựa gia đình


Người dễ nảy sinh ý định tự tử là người có tính cách nghệ sĩ, tức dễ vui buồn cáu giận, dễ xúc động... Để phòng ngừa tự tử ở những trẻ có tính cách này, ông An khuyến cáo cha mẹ phải có kỹ năng gần gũi con, nắm bắt tâm tư tình cảm hoặc những biến cố xảy ra ở nhà trường, trong mối quan hệ bạn bè của con. Nên theo dõi, hỗ trợ từ những biểu hiện ban đầu, tránh ân hận khi đã quá muộn. “Khi trẻ có những biểu hiện như không tiếp xúc với mọi người, bỏ cơm, hay khóc thầm... tức trẻ đã có những rối nhiễu tâm lý. Lúc đó cha mẹ nên gần gũi trẻ để chia sẻ và phân tích cho trẻ cách ứng xử phù hợp. Tôi rất mong ngành y tế có một chính sách để phòng ngừa, chữa trị vấn nạn này” - ông Nguyễn Trọng An đề xuất.

Ngoài ra, theo bác sĩ Thanh Thủy, sự ảnh hưởng của gia đình đối với trẻ ngày càng ít, thay vào đó tác động của truyền thông với trẻ ngày càng nhiều. Những hình ảnh, tin tức về ca sĩ này, thần tượng nọ tự tử tác động lên các em hằng ngày. Chính những điều đó khiến các em rơi vào cô đơn, chán nản nên dễ bị bế tắc khi gặp xung đột trong cuộc sống. Để giúp trẻ vượt qua được khủng hoảng, gia đình đóng vai trò rất quan trọng. Các bậc cha mẹ phải giúp trẻ định hướng suy nghĩ theo chiều hướng tích cực, đồng thời gần gũi, quan tâm, trò chuyện giúp con giải tỏa những bế tắc.

Với những trẻ đã tự tử nhưng may mắn được cứu sống, cha mẹ càng cần giúp con lấy lại cân bằng trong tâm lý. Thường trẻ tự tử sẽ gặp hai xu hướng khi cứu sống: một là gia đình thực hiện ngay yêu sách của các em; hai là đay nghiến, nhắc đi nhắc lại lỗi lầm của các em. Cả hai cách này đều không nên. Lúc này cha mẹ phải cho con nhận thức được mạng sống là thứ quý giá nhất trên đời, cần trân trọng, cũng như thường xuyên quan tâm, gần gũi để cùng con vượt qua khó khăn.

Theo NGỌC NGA (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm