Ngay sau Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, siêu thị tại TP.HCM đã xuất hiện tình trạng người dân gom hàng.
Gần 16 giờ ngày 31-3, siêu thị Big C miền Đông trên đường Tô Hiến Thành (quận 10, TP.HCM) đã chật kín khách hàng. Những hàng dài người dân rồng rắn từ cổng đến các lối đi trong siêu thị để tìm mua các lương thực, nhu yếu phẩm nhằm dự trữ trong thời gian tới.
Người dân xếp hàng dài tại các siêu thị vào chiều 31-3. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG
Chị NTB (quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ chị đã xin công ty cho về sớm để mua hàng dự trữ chỉ vì sợ chợ, siêu thị sẽ hết hàng hóa hoặc đóng cửa.
“Chiều nay, vợ chồng tôi lật đật đi mua hàng về trữ vì sợ khi cách ly sẽ thiếu thốn hàng hóa. Tôi mua chủ yếu là gạo, mì gói, sữa cho trẻ nhỏ và thực phẩm đóng hộp…” chị B. nói.
Tình trạng trên cũng xuất hiện tại siêu thị Co.op Mart trên đường Trường Sa (quận 3, TP.HCM).
Quầy thực phẩm tươi sống kín khách chờ. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG
Không chỉ vây kín các quầy hàng hóa, quầy tính tiền trong các siêu thị. Nhiều người dân còn tập trung đông trước các cổng siêu thị để đợi hay chở hàng hóa được người thân đưa ra bên ngoài.
“Chồng tôi đứng ngoài cổng, tôi mua xong thì đẩy hàng ra cho chồng chở về nhà còn tôi ở lại mua thêm vài thứ khác. Mua một lúc nhiều thứ nên phải làm vậy” - chị HTS (ngụ quận 3. TP.HCM), một khách hàng tại siêu thị Co.op Mart Trường Sa, chia sẻ.
Các xe đẩy đều trật kín hàng hóa, nhu yếu phẩm. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG
Theo ghi nhận của PLO, tuy lượng khách gia tăng đột biến tại các siêu thị nhưng các mặt hàng đều luôn có đủ để ung ứng nhu cầu cho khách hàng. Do đó, tại các siêu thị trên đều không xảy ra tình trạng chen lấn, giành giật hàng hóa.
Tuy lượng khách vào siêu thị tăng đột biến nhưng việc kiểm tra thân nhiệt khách hàng vẫn được đảm bảo. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG
Đặc biệt, khách hàng đến các siêu thị đều được kiểm tra thân nhiệt để bảo đảm an toàn cho cộng đồng.
Nhiều người dân đứng ngoài quan sát thấy cảnh siêu thị đông đúc đã tỏ vẻ không đồng tình.
"Tôi thấy trên các kệ hàng của siêu thị có thiếu cái gì đâu. Các bộ, ngành đã thông báo rất rõ là không thiếu nhu yếu phẩm, hàng hóa, lượng thực. Người dân mình không nên lo lắng mà đi gom hàng làm gì!" - anh Trần Tiên, nhà cạnh siêu thị Co.op Mart Trường Sa, nói.
Chị Lê Thu Hoa, một hộ dân đối diện siêu thị Big C miền Đông, cho biết: "Lệnh của Thủ tướng từ Chỉ thị 16 chỉ đơn giản là tuân thủ khoảng cách an toàn, hạn chế tập trung đông người, không ra ngoài khi không thật cần thiết. Vì vậy, chỉ cần mua nhiều hơn vài ngày so với lúc trước để hạn chế ra đường thôi. Lúc nào cần thì đeo khẩu trang ra siêu thị mua về ăn cho 2-3 ngày được chứ gì. Người dân không nên tập trung lại mua đông kiểu đó vì dễ có nguy cơ lây bệnh thêm".
Gửi đến mail của báo vài hình ảnh về cảnh người dân đi mua nhiều hàng hóa, anh Thi Thơ bày tỏ: "Bộ Công Thương cho biết đến nay tất cả địa phương và nhiều doanh nghiệp phân phối trên cả nước đã có phương án cụ thể về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường. Bộ khẳng định không thiếu hàng. Thủ tướng khẳng định không ngăn sông cấm chợ. Vậy người dân chúng ta không cần thiết phải đi mua hàng về tích trữ làm gì".
Nhắn tin vào hộp thư fanpage của PLO, bạn đọc Huỳnh Lê trích lời của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói rằng tinh thần của Chỉ thị 16 là khuyến cáo mọi người dân hạn chế tối đa việc tiếp xúc, tụ tập đông người, càng ít người càng tốt, trừ trường hợp thật sự cần thiết. Đây là thông điệp mạnh mẽ hơn so bốn ngày trước, khi yêu cầu không tụ tập trên 10 người, bởi tình hình hiện đã khác.
Khi người dân ra ngoài cần thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá hai người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Vì vậy, theo anh Huỳnh Lê, nhà anh lâu nay mỗi lần đi chợ hay siêu thị mua thức ăn cho khoảng ba ngày. Nay anh vẫn giữ thói quen ấy chứ không mua hơn. "Chỉ là mỗi người cần chủ động phòng dịch, tuân thủ các khuyến cáo là được. Không việc gì phải hốt hoảng đi mua hàng về trữ cả" - anh Lê cho biết.