Trong thời gian qua, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, TP.HCM đã tiến hành cách ly, phong tỏa một số khu vực. Bắt đầu từ ngày 9-7, TP cũng đã tiến hành thực thiện Chỉ thị 16 để phòng chống dịch COVID-19.
Chị Trần Thanh San đến nhà trao quà cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NGỌC LÀI
Một người dân nhận được phần quà từ các tình nguyện viên của nhóm.
Ảnh: THU TRANG
Nhận được quà tận nhà, các cụ mừng lắm
Trao đổi với PV, anh Đàm Hà Phú, quản lý của nhóm, cho biết trước khi dịch bệnh bùng phát, nhóm của anh cũng đã hoạt động trên Facebook, gồm những người yêu thích đồ cũ, thường trao tặng hàng hóa cho nhau. Ở đợt dịch này, nhiều mạnh thường quân muốn thông qua nhóm gửi quà, nhu yếu phẩm… cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Do vậy, anh Đàm Hà Phú và anh Bùi Vĩnh Thế là những đồng admin (quản lý) nhóm Sài Gòn chợ Lạc Xoong cùng kêu gọi các thành viên nhóm tham gia.
Hiện tại, nhóm đã có chín địa điểm rải khắp các quận trên địa bàn TP. Điều phối viên của mỗi điểm sẽ nhận và phân phối quà, nhu yếu phẩm… do mạnh thường quân gửi đến. Với tiêu chí: “Ai có thì đến góp, ai cần thì đến lấy”, tình nguyện viên của nhóm sẽ chủ động tìm hiểu và phân phối quà cho bà con.
“Nếu đủ nguồn lực, chúng tôi sẽ duy trì hoạt động cho đến hết thời gian áp dụng Chỉ thị 16. Đồng thời, để đảm bảo an toàn phòng dịch, chúng tôi chia nhỏ các nhóm. Mỗi lần trao nhận chỉ có hai người. Lúc đi phát quà, tôi cũng nhắc mọi người chỉ nên đi hai người, trao quà nhanh, đảm bảo quy định 5K” - anh Đàm Hà Phú nói.
Cũng theo anh Phú, người phụ trách điểm phân phối và các tình nguyện viên của hoạt động này rất nhiệt tình. Họ làm liên tục từ 5 giờ sáng cho đến tận khuya. Khi những phần quà cuối cùng được phát tận tay người cần, họ mới yên tâm trở về. Mấy ngày qua, TP.HCM liên tục có mưa nhưng mọi người vẫn miệt mài ra đường để trao quà cho bà con.
Tình nguyện viên Nguyễn Trần Như Mai, ở quận Tân Phú, là một trong những người rất nhiệt tình trong nhóm như lời anh Phú chia sẻ. Dù công việc riêng không có thu nhập ổn định, mỗi ngày chỉ mong có đủ tiền mua thức ăn nhưng chị Mai vẫn gắn bó với nhóm.
Chị Mai cho biết trong mùa dịch này, thấy nhiều người còn khổ hơn mình, không thể cầm lòng được nên cố gắng góp chút sức, giúp mọi người có bữa cơm. Trong quá trình khảo sát cùng nhóm, chị thấy và rất thương những người già neo đơn, mưu sinh bằng nghề bán vé số. Các cụ phải đi bán hằng ngày, bất kể mưa nắng để có đồng ra, đồng vào. Những ngày dịch vừa qua, các cụ phải ở nhà, không thể ra ngoài xin cơm từ thiện. Nhận được quà tận nhà, các cụ mừng lắm.
Bó rau, quả trứng cũng là món quà thiết thực
Cầm hơn một trăm ngàn với mấy tờ tiền lẻ trên tay, chị Nguyễn Mai Thu Trang, một điều phối viên của nhóm ở TP Thủ Đức, cho biết chị đã rất xúc động khi nhận được số tiền này. Vì số tiền này là do một chị công nhân lao công đem đến ủng hộ để giúp đỡ bà con nghèo.
Chị Trang chia sẻ: “Đó là niềm vui mà chúng tôi có được trong quá trình tham gia hoạt động thiện nguyện. Mọi người đến gửi hàng liên tục, như ngày hôm qua, nhóm nhận đến 800 kg gạo. Hàng xóm thấy tôi làm, cũng đến góp gạo, gửi tiền mua thực phẩm”.
Theo chị Trang, nếu chỉ phát quà, thực phẩm cho những người khó khăn bắt gặp trên đường thì không hiệu quả, phải tìm vào các con hẻm nhỏ mới thấy hết những cảnh đời bất hạnh. Mùa dịch, nhiều người nằm nhà chịu trận, thiếu thực phẩm, nước uống… Do đó, nhóm của chị đã lên phương án đưa thực phẩm tươi đến tận nhà cho bà con nghèo. Một bao gạo nhỏ, bó rau, vài quả trứng… sẽ là món quà rất thiết thực cho bà con.
Chị Trần Ngọc Mai Thy, một điều phối viên của nhóm tại quận Phú Nhuận, cho biết điểm phân phối này có khoảng 10 tình nguyện viên thì có đến bốn người thân trong gia đình. Mỗi sáng, lúc 5 giờ, chị đã có mặt ở các bến xe, cửa hàng để nhận hoặc mua thêm nhu yếu phẩm. Con của chị thì được ông bà chăm dùm, cơm nước cũng có người giúp nên chị có nhiều thời gian dành cho công tác thiện nguyện.
Chị Trần Thanh San, một điều phối viên ở quận Gò Vấp, được các thành viên trong nhóm nể phục vì “sức bền” của chị. Theo lời kể của các thành viên trong nhóm, con của chị mới bốn tháng tuổi nhưng chị đã nhờ người thân chăm sóc để có thời gian điều phối và tham gia hoạt động của nhóm. Một thành viên trong nhóm cho biết mỗi ngày chị San lái xe máy đi ít nhất 50 km, có ngày đi 100 km để mang thực phẩm đến cho bà con nghèo. Nhìn lịch trình di chuyển của chị như một shipper chuyên nghiệp vậy đó.
Được hỏi vì sao chị lại có thể làm được nhiều việc như vậy, chị San cho biết đi nhiều thì cũng có lúc phải mệt chứ nhưng khi đi và tiếp xúc nhiều, chị mới biết được nhiều mảnh đời rất cơ cực. Và đó là động lực để chị thấy mình phải cố gắng để giúp họ được nhiều hơn. “Trong một lần đi phát quà, tôi cứ đau đáu và nhớ mãi lời dặn từ mấy đứa trẻ ở xóm nghèo: “Cô ơi, cô đừng bỏ tụi con nha”” - chị San nói.•
Chính quyền địa phương hỗ trợ nhiệt tình
Hôm trước, tôi mang thực phẩm sang quận Phú Nhuận để phát cho bà con nghèo. Do chở hàng khá nhiều nên tôi gặp sự cố trên đường. Lúc tôi đang loay hoay với các túi rau củ, nhu yếu phẩm, một anh công an khu vực đến hỏi thăm. Biết tôi mang quà tặng cho bà con nghèo nên anh đã rất nhiệt tình giúp đỡ. Anh cũng đã đến UBND phường 8, quận Phú Nhuận để thông tin sự việc nhờ hỗ trợ. Ngay sau đó, tất cả số thực phẩm trên đã được phân phối đến cho bà con có hoàn cảnh khó khăn của phường. Lúc đầu, tôi cũng lo hoạt động thiện nguyện sẽ gặp khó khăn do TP áp dụng Chỉ thị 16. Thế nhưng hoạt động của nhóm luôn đảm bảo đúng theo quy định của TP và cơ quan y tế về phòng chống dịch nên được chính quyền địa phương hỗ trợ nhiệt tình. ChịTRẦN NGỌC MAI THY, điều phối viên nhóm Sài Gòn chợ Lạc Xoong |