Chị DL, một chủ đại lý nước giải khát ở đường Cao Văn Lầu, phường 1, quận 6, TP.HCM trình bày: Ngày 21-12-2016, một bạn hàng ở Cao Lãnh (Đồng Tháp) đặt mua 10 thùng hàng nước ép trái cây có nguồn gốc từ Úc. Sau khi báo về công ty, chị L. gửi hàng ra nhà xe chở về Cao Lãnh. Ngày 22-12-2016, xe đến Cai Lậy, Tiền Giang thì bị công an huyện yêu cầu dừng lại kiểm tra. Vì không xuất trình được hóa đơn nên lô hàng của chị L. bị giữ lại.
Bị tịch thu hàng vì thiếu giấy tờ tại chỗ
“Khách quen hối gấp nên tôi quên chuyện hóa đơn. Lúc nghe chủ xe báo, tôi vội nhờ em trai là M. mang theo hóa đơn của công ty cùng giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy của Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm cấp để chứng minh nguồn gốc hàng, em tôi bắt taxi chạy gấp xuống Công an huyện Cai Lậy xuất trình” - chị L. cho biết.
Anh M. đi đến 11 giờ thì tới trụ sở công an huyện. Công an giữ lại bản sao giấy tờ rồi bảo anh đi về. Ngày 4-1, anh M. quay trở lại. “Công an đưa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 800.000 đồng. Tôi không đọc quyết định mà chạy luôn ra kho bạc huyện Cai Lậy nộp phạt. Nhưng lúc quay lại trụ sở công an xin nhận hàng, tôi té ngửa khi được biết rằng hàng bị tịch thu, lý do là bán hàng hóa do nước ngoài sản xuất mà không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Ngay trong buổi trưa tôi nộp hóa đơn, giấy tờ rồi mà?” - anh M. thắc mắc.
Chiều 10-1, trao đổi với PV báoPháp Luật TP.HCM, Thượng tá Trần Thanh Tùng, Phó Trưởng Công an huyện Cai Lậy, cho rằng công an huyện đã làm đúng quy định.
“Lô hàng đó bị bắt lúc 7 giờ sáng 22-12-2016. Đến 11 giờ 30 thì đại diện cơ sở mới đến xuất trình, chúng tôi có ghi nhận. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch 64/2015 của Bộ Tài chính - Công Thương - Công an - Quốc phòng thì 10 thùng hàng nước ép nhập khẩu trên đang trên đường vận chuyển và tại thời điểm kiểm tra, chủ xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nên số hàng trên bị quy vào trường hợp là hàng hóa nhập lậu. Căn cứ giá trị lô hàng, áp dụng điểm c khoản 1 Điều 17 Nghị định 185/2013 thì mức phạt tiền từ 600.000 đến 1 triệu đồng (lô hàng trên bị phạt 800.000 đồng - PV), hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật”.
Ông Tùng cũng bày tỏ lo ngại hiện nay tình trạng gian lận thương mại, trốn thuế bằng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, có trường hợp khi xác minh hóa đơn, chủ hàng mới nhờ người quen biết xuất hóa đơn giùm.
Các hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc lô hàng. Ảnh: HOÀNG GIANG
Quy định dễ dẫn đến tùy nghi
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM, băn khoăn cách xử lý nói trên. Theo luật sư Chánh, đúng là theo khoản 1 Điều 3 Thông tư liên bộ 64/2015 nói trên thì quy định đối với hàng hóa nhập khẩu đang trên đường vận chuyển… thì phải xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa tại thời điểm kiểm tra. Tuy nhiên, trên thực tiễn không phải trường hợp nào chủ hàng cũng biết rõ quy định này hoặc chủ hàng quên mang hóa đơn… thì việc chỉ căn cứ vào việc không mang hóa đơn mà xác định đây là hàng nhập lậu là hơi cứng nhắc. “Phải xét ý thức của người vi phạm nữa. Trong vụ việc này, khi bị kiểm tra, chủ hàng đã thuê ngay taxi cử người chạy gấp xuống Cai Lậy xuất trình hóa đơn và các giấy tờ khác chứng minh nguồn gốc hàng. Như vậy, trước khi ra quyết định xử phạt hành chính thì chủ hàng đã chứng minh được hàng hóa của mình có nguồn gốc, hóa đơn, chứng từ. Việc chứng minh này diễn ra trong cùng ngày. Mặt khác, theo tôi, các cơ quan chức năng cũng nên xem xét lại quy định tại Thông tư liên tịch 64/2015, cần quy định thời hạn hợp lý trong việc chứng minh nguồn gốc hàng hóa nếu lúc bị kiểm tra chưa thể xuất trình hóa đơn, chứng từ. Có như vậy việc xử lý mới hợp tình, hợp lý, người bị xử phạt tâm phục, khẩu phục và cơ quan chức năng cũng phòng ngừa được tình trạng hợp thức hóa hóa đơn” - luật sư Chánh nói.