Vào tháng 11 và tháng 12 hàng năm là thời điểm các đơn vị tuyển quân trên cả nước thực hiện khám sức khoẻ cho công dân nhập ngũ. Xoay quanh vấn đề khám sức khoẻ này, nhiều độc giả đã gửi những thắc mắc vềPháp Luật TP.HCM hỏi: Trường hợp các thanh niên cố tình xăm hình lên người để trốn nghĩa vụ quân sự thì bị xử lý như thế nào? Có phải cứ xăm hình là không phải đi nghĩa vụ quân sự nữa hay không?...
Trả lời vấn đền này, Luật sư Đỗ Thanh Trung, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết trước đây khi áp dụng quy định tại điểm d, Khoản 2, Điều 4 Thông tư 167/2010 của Bộ Quốc phòng thì không gọi nhập ngũ vào quân đội đối với trường hợp công dân xăm da (bằng kim) có hình mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động, bạo lực gây phản cảm ở những vị trí lộ diện như mặt, cổ, tay (từ 1/3 dưới cánh tay trở xuống); chân (1/3 từ dưới đùi trở xuống).
Tuy nhiên, Thông tư 167/2010 đã hết hiệu lực và sau đó được thay thế bằng Thông tư 140/2015 và mới đây nhất là Thông tư 148/2018 (đang có hiệu lực thi hành) đã không còn đề cập đến việc không gọi nhập ngũ với những người có hình xăm trên cơ thể.
Đối với các trường hợp lợi dụng việc xăm hình lên cơ thể để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 2, Điều 6, Nghị định 120/2013 về hành vi người khám sức khỏe gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự; sau khi nộp phạt, buộc cưỡng chế phải thực hiện việc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Mức phạt tiền từ 2 đến 4 triệu đồng.
Thanh niên TP.HCM lên đường nhập ngũ. Ảnh: HOÀNG GIANG
Theo Thông tư liên tịch số 50/2016/TTLT-BQP-BCA thì công dân không được tuyển chọn nhập ngũ khi cơ thể có hình xăm, chữ xăm có nội dung chống đối chế độ, chia rẽ dân tộc, mang tính kỳ dị, kỳ quái, kích động tình dục, bạo lực. Hình xăm, chữ xăm gây phản cảm ở những vị trí lộ diện, như: Mặt, đầu, cổ; từ 1/2 cánh tay trên trở xuống, từ 1/3 dưới đùi trở xuống. Hình xăm, chữ xăm chiếm diện tích từ 1/2 lưng, ngực, bụng trở lên.
Trước đó, vào tháng 9-2020, trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Nghệ An, Bộ Quốc phòng đã khẳng định những quy định về hình xăm, chữ xăm trên cơ thể là một trong những nội dung thuộc tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức trong công tác tuyển chọn công dân nhập ngũ.
Hằng năm, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức rút kinh nghiệm và có hướng dẫn chi tiết về công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ (trong đó có tiêu chí cụ thể về hình xăm, chữ xăm); do đó, chất lượng công tác tuyển quân từng bước được nâng lên, hạn chế việc công dân lợi dụng hình xăm, chữ xăm trên cơ thể để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Đồng thời, theo Bộ Quốc phòng trong quá trình tuyển chọn công dân nhập ngũ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự và Hội đồng Khám sức khỏe của các địa phương có trách nhiệm tổ chức sơ tuyển, khám tuyển, xét tuyển chặt chẽ, bảo đảm đúng quy trình, quy định tại Thông tư liên tịch số 50/2016/TTLT-BQP-BCA, không để bị lợi dụng hoặc để lọt những công dân có hình xăm, chữ xăm trái với quy định nhập ngũ vào Quân đội gây phản cảm, ảnh hưởng đến hình ảnh, lễ tiết tác phong của người quân nhân cách mạng.
Những trường hợp công dân lợi dụng hình xăm, chữ xăm hoặc các hành vi gian dối, làm sai lệch kết quả khám sức khỏe và các hành vi khác để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ bị xử lý nghiêm. Điều này để bảo đảm công bằng xã hội trong công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hằng năm tại các địa phương.