Cả hai trận trên hứa hẹn là những cuộc chạm trán nảy lửa dù cả bốn đã có vé dự World Cup U-20 năm sau tại Ba Lan.
Bốn đại diện mạnh nhất châu Á đều thể hiện lối chơi cống hiến. Có thể nói rằng đây là bốn đội trẻ của bốn quốc gia đầu tư đào tạo trẻ quyết liệt và tốt nhất châu Á.
Qatar là nơi có học viện Aspire và từng nhận những tài năng trẻ Việt Nam sang đấy đào tạo. Khoảng một thập niên nay, chính sách đào tạo trẻ của Qatar còn quyết liệt hơn nhằm tạo một đội tuyển ưu tú cho World Cup 2022 mà Qatar là chủ nhà.
Hàn Quốc thì đang nắm kỷ lục vô địch giải U-19 châu Á với 11 lần lên ngôi. Tuy nhiên, giải này các cầu thủ trẻ của họ lại cho thấy chậm “nóng máy” và tần suất ghi bàn không cao.
Họ là đội ghi bàn ít nhất (bảy bàn) so với các đội vào bán kết. Trái với Qatar ở vòng bảng đã ghi được 11 bàn. Vào tứ kết Qatar đánh bại Thái Lan 7-3 cũng rất kịch tính. Nếu Hàn Quốc chưa cho thấy chân sút nổi trội thì Qatar có nhiều cầu thủ tấn công giỏi như Abdulrasheed Amaru, Al Yazidi, Hashim Ali.
Theo nhận định của chúng tôi, U-19 Hàn Quốc khó có cửa trụ nổi trước sức càn quét và hỏa lực của Qatar.
Trận bán kết thứ hai giữa Nhật và Saudi Arabia được chú ý hơn do cả hai đều tạo ấn tượng ở vòng bảng. Nhật có lối chơi phòng ngự tổ chức và bọc lót cho nhau rất tốt cùng với đó là sự quyết liệt, mạnh mẽ kỷ luật trong đấu pháp. Khi chuyển thể từ phòng ngự sang tấn công, các cầu thủ Nhật cũng rất nhanh nhẹn và bất ngờ. Vòng bảng họ ghi được 13 bàn còn tứ kết thì đánh bại chủ nhà Indonesia 2-0.
Saudi Arabia cũng là đội bóng phòng ngự giỏi khi vòng bảng chỉ để lọt lưới hai bàn và ghi được sáu bàn.
Ở tứ kết, Saudi Arabia thể hiện đấu pháp trước Úc rất tốt để thắng 3-1 nhưng với Nhật thì Saudi Arabia sẽ không dễ thực hiện ý đồ.
Với cặp đấu cân sức này, chúng tôi đánh giá cao U-19 Nhật hơn bởi sự khoa học, lạnh lùng và tính đồng đội lẫn kỷ luật.