Băn khoăn chuyện cai nghiện tại cộng đồng

Ngày 25-5, tại Nhà khách Quốc hội (QH) TP.HCM, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH tổ chức hội thảo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy và phòng, chống HIV/AIDS.

Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chưa hiệu quả

Ông Cao Văn Thành (Phó Cục trưởng phụ trách Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ-TB&XH) cho biết số người nghiện ma túy và số chất ma túy tăng mạnh qua từng năm. Điều này gây khó khăn, tạo sức ép rất lớn đối với công tác cai nghiện và quản lý sau cai.

Các quy định pháp luật hiện nay về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng chưa đạt hiệu quả. Việc giao cho UBND xã, phường thực hiện là không khả thi, đã được chứng minh qua gần 20 năm nay. Hiện chỉ có 13/63 tỉnh, TP tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng.

“Bởi việc cai nghiện là dịch vụ hỗ trợ về tâm lý, xã hội, y tế mang tính chuyên môn kỹ thuật, do vậy phải do các cơ quan chuyên môn đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn để thực hiện. Trong khi đó, UBND cấp xã là cơ quan hành chính, không phải đơn vị cung cấp dịch vụ. Chưa kể, hiện nay các dịch vụ hỗ trợ tâm lý, xã hội, y tế ở cộng đồng không thuộc UBND xã quản lý nên huy động để hỗ trợ người cai nghiện khó khăn. Nguồn lực ở xã, phường cũng không đảm bảo cho tổ chức cai nghiện...” - ông Thành phân tích rõ.

Ông đề nghị việc tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng cần được quy định theo nguyên tắc coi đây là hình thức tự nguyện; do cơ quan chuyên môn thực hiện (tư vấn cai nghiện, hỗ trợ phục hồi bằng các dịch vụ y tế, xã hội…) với sự tham gia phối hợp của gia đình, các tổ chức xã hội tại cộng đồng dân cư.

Theo phó cục trưởng phụ trách Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, nên cho chủ tịch UBND huyện chịu trách nhiệm tổ chức việc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn cho bộ chuyên ngành quy định.

Ông Phạm Văn Hòa, đại biểu QH tỉnh Đồng Tháp, cũng nhìn nhận ở cấp xã thì cơ sở vật chất về y tế không có, điều kiện cụ thể để giáo dục người nghiện thì không đủ. MTTQ tham gia vào công tác này còn rất nhiều việc nên cuối cùng thì công an phải làm hết.

Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: LÊ THOA

Trại viên “đấu luật” với cán bộ

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thông tin rằng hiện nay người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Hơn 90% người được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người không có nơi cư trú ổn định... nhiều lúc gây quá tải cho cơ sở cai nghiện, dễ dẫn đến tình trạng bạo loạn, đánh nhau, trốn trại tập thể.

“Tình trạng bạo loạn, đánh nhau, trốn trại này cũng diễn ra ở cơ sở cai nghiện thuộc tỉnh Tiền Giang” - bà Hương nói.

Nói về cơ sở cai nghiện ở Tiền Giang, ông Lý Hoàng Chiêu (Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Tiền Giang), cho hay cơ sở cai nghiện của tỉnh chỉ có sức chứa 230 người nhưng hiện có tới trên 650 người nghiện. Từ đó ảnh hưởng đến công tác quản lý, chữa bệnh, dạy nghề và ổn định tư tưởng, tâm lý cho người cai nghiện. Thậm chí, một số lần có học viên đứng ra cầm đầu kích động, tụ tập phe nhóm gây rối làm mất ổn định nề nếp, nội quy của trại, đánh cả cán bộ và trốn trại.

Theo ông Chiêu, trong khi đó việc xử lý các vi phạm hành chính tại cơ sở cai nghiện chưa nghiêm. “Có lần làm việc với người gây rối, có học viên rất am hiểu luật nói rằng đây không phải là nơi công cộng nên không bị xử lý. Có học viên dù cầm đầu, kích động, vượt trại nhưng khi bị bắt lại thì chỉ cách ly riêng biệt 3-4 ngày. Cách ly mà được lo cơm nước, được bảo vệ, khỏi lao động thì quá sung sướng” - ông Chiêu phân tích. Ông đề nghị các cơ quan chức năng phải nghiên cứu, có biện pháp xử lý tình trạng này.

Trung tá Hoàng Văn Hiều, Phó Trưởng phòng 2, C04 (thuộc Bộ Công an), thì đề nghị ưu tiên cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, điều trị bằng thuốc thay thế. Sau đó nếu vẫn vi phạm thì mới đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Lý do, theo phó trưởng Phòng 2, hiện nay 97 cơ sở cai nghiện trên cả nước chỉ chứa khoảng 50.000 người nên không thể đưa tất cả người nghiện trên 18 tuổi vào. Trong khi đó, cả nước có đến hơn 230.000 người nghiện ma túy, một ngày chi phí cho người cai nghiện ít nhất 100.000 đồng.

“Nên cho tư nhân tham gia lĩnh vực cai nghiện”

Ông Huỳnh Thành Lập, nguyên Trưởng Đoàn đại biểu QH TP.HCM, đặt vấn đề: “Cai nghiện tập trung khó vì tỉ lệ tái nghiện cao, lâu lâu lại có người trốn trại. Tuy nhiên, cai nghiện tại cộng đồng cũng không hiệu quả. Vậy thì làm sao?”.

Theo ông Lập, cai nghiện tại gia đình, cộng đồng phải làm nhưng phải đổi mới cách làm, khuyến khích người nghiện phải có ý chí, dựa vào gia đình. Đồng thời, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực cai nghiện bằng việc điều chỉnh thủ tục cho bớt khó khăn.

“Nếu để tư nhân làm thì họ có cách quản lý, ở nước ngoài họ làm theo dự án, cho người nghiện đi về thử thách, kiểm tra. Mình sẽ rút kinh nghiệm của thế giới. Đừng tách rời người nghiện với xã hội mà để họ lao động, gắn liền với gia đình” - ông Lập phân tích. Nguyên Trưởng Đoàn đại biểu QH TP.HCM cũng đề nghị kiểm soát ma túy tại vũ trường, karaoke… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm