Có nên cách tân áo dài truyền thống của Việt Nam hay không và nếu cách tân thì cách tân ở mức độ nào thì phù hợp?... Đó là một trong những nội dung được đề cập tại tọa đàm “Áo dài Việt từ lịch sử đến đương đại” do Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC tổ chức sáng 27-11 tại tỉnh Thanh Hóa.
Mở đầu buổi tọa đàm, nhà nghiên cứu, nhà sưu tập trang phục Trịnh Bách đã cung cấp thông tin sơ lược về quá trình hình thành, phát triển của áo dài Việt Nam, qua đó ông cũng khẳng định: Áo dài của Việt Nam có trước áo dài Trung Quốc.
“Có nhiều người tưởng nhầm rằng tà áo dài của Việt Nam bắt chước áo sườn xám của Trung Quốc. Áo sườn xám của Trung Quốc phải đến mãi thập niên 1920 do bà Tống Mỹ Linh, vợ của ông Tưởng Giới Thạch, may theo áo của Việt Nam. Chiếc áo này được cắt tay đi, hạ xẻ xuống giữa đùi để họ không phải mặc quần” - nhà nghiên cứu Trịnh Bách khẳng định.
Các diễn giả trao đổi về sự phát triển của áo dài tại buổi tọa đàm diễn ra tại Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Một chủ đề nhận được sự quan tâm của phần lớn các diễn giả có mặt đó là xu hướng cách tân áo dài hiện nay.
Khi được hỏi quan điểm của mình về việc này, nhà nghiên cứu Trịnh Bách cũng cho rằng việc cách tân phải làm sao để người ta nhìn vào vẫn nhận ra ngay đó chính là chiếc áo dài, tiếp đó với những chi tiết nhỏ mà tiền nhân đã nghĩ ra nhằm tăng dáng của người phụ nữ cũng phải được tôn trọng.
“Nếu mà đạt được cái đó thì cách tân thế nào cũng được, làm sao đừng phá mất tinh thần của áo dài. Thứ nhất, nó phải là áo dài; thứ hai, cách tân đừng chỉ làm cho khác người mà nhìn vào không có sự mềm mại của người phụ nữ. Mặc áo dài phải giữ nhân dáng, cái đẹp, cái uyển chuyển của áo dài” - ông Bách nêu quan điểm.
Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, cũng là người kêu gọi mặc trở lại áo dài nam, thì cho rằng áo dài hiện nay chỉ nên gọi là áo dài mới chứ không thể gọi là áo dài cách tân, vì theo ông: “Áo dài mới trong đó không chứa đựng một yếu tố tạo hình và tinh hoa gì của áo dài truyền thống”.
Lấy ví dụ cụ thể từ áo dài của nam, họa sĩ Đức Bình bày tỏ: “Người đàn ông mặc áo dài truyền thống giữ được sự khiêm nhường của mình, phải giấu mình thì áo dài may mới bây giờ tất cả những gì đàn ông có đều thể hiện ra hết. Thậm chí không có cũng thể hiện ra như màu sắc sặc sỡ in rồng in phượng”.
Còn nhà văn Nguyễn Trương Quý lại quan niệm, cùng với sự trở lại của áo dài truyền thống thì sự biến tấu của áo dài của giới trẻ hiện nay chúng ta phải chấp nhận. “Chúng ta cũng không nên chăm chăm chỉ có một loại áo dài. Thực tế áo dài Việt Nam đã trải qua nhiều lần biến đổi mới thành hình khá hoàn chỉnh, ổn định và được thừa nhận là trang phục truyền thống như hiện nay” - nhà văn Trương Quý nói.