Tòa cấp phúc thẩm thường hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại nhưng trong thâm tâm cũng cho rằng bị cáo không phạm tội.
Tại sao có tình trạng này? Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu là muốn “cứu” tòa cấp sơ thẩm hoặc “dĩ hòa vi quý” muốn giữ mối quan hệ với cơ quan điều tra và viện kiểm sát. Hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại dù sao thì cũng nhẹ nhàng “dễ chịu” hơn tuyên bố bị cáo không phạm tội, mặc dù tòa án cấp phúc thẩm biết chắc rằng có hủy đi thì cũng chẳng điều tra được gì thêm, chỉ kéo dài vụ án. Nếu sau khi bản án bị hủy và may ra viện kiểm sát vẫn giữ quan điểm truy tố, rồi tòa án tuyên bố bị cáo không phạm tội thì “thoát” được trách nhiệm phải bồi thường oan. Còn nếu cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát đình chỉ thì cũng có lý do để giải trình với cấp trên, rằng tại cơ quan điều tra và viện kiểm sát chứ tòa án đã làm hết trách nhiệm!
Tuy nhiên, không ít trường hợp tòa án cấp phúc thẩm cương quyết tuyên bố bị cáo không phạm tội. Nhất là từ khi có Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Ví dụ: Vụ Lương Ngọc Phi ở Thái Bình, tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên bị cáo có tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo kháng cáo kêu oan. Khi hội đồng xét xử phúc thẩm của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội về xét xử, lãnh đạo TAND tỉnh cũng có ý đề nghị nếu chứng cứ yếu thì hủy án sơ thẩm để điều tra lại nhưng hội đồng xét xử phúc thẩm đã tuyên bố bị cáo không phạm tội. Sau đó, TAND tỉnh Thái Bình đã bồi thường oan cho ông Lương Ngọc Phi. Hay gần đây, ngày 3-7, TAND tỉnh Bình Phước đã bác kháng nghị của VKSND huyện Bù Gia Mập và tuyên bố ông Đồng Khắc Luật không phạm tội cưỡng đoạt tài sản (trước đó TAND huyện Bù Gia Mập cũng đã tuyên ông Luật không phạm tội). Hoặc ngày 8, TAND TP Cà Mau không chỉ tuyên bố bị cáo Huỳnh Nhật Quang không phạm tội mà còn kiến nghị VKSND tỉnh xem xét khởi tố ông Dương Trí Dũng, Phó Công an xã Tắc Vân, TP Cà Mau, đã có hành vi dùng súng bắn anh Quang gây thương tích với tỉ lệ thương tật 8%… Việc làm của các tòa án này được dư luận hoan nghênh, nếu không nói là “rất dũng cảm”.
Từ những vụ điển hình trên, thiết nghĩ các tòa án nhất là đối với thẩm phán cần có dũng khí và bản lĩnh “dám làm, dám chịu”, với phương châm: “Minh oan cho một người là một việc vì dân, vì nước” để khi trở về với đời thường không phải ân hận hay sám hối điều gì!
ĐINH VĂN QUẾ (nguyên Chánh Tòa Hình sự, TAND Tối cao)