Sáng 3-4, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định kéo dài thời gian thí điểm hoạt động của ban trong thời gian ba năm, kể từ ngày 1-4.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND TP.HCM tổng kết việc thực hiện quyết định này trước ngày 1-2-2023.
Trao đổi thêm với PLO, bà Phong Lan cho biết trước tình hình dịch bệnh COVID-19, Ban Quản lý ATTP TP.HCM tập trung giám sát và kiểm tra những cơ sở chế biến suất ăn sẵn cung cấp cho các khu cách ly, các doanh nghiệp trên địa bàn TP.
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan kiểm tra hoạt động kinh doanh thịt heo tại chợ đầu mối Hóc Môn, TP.HCM. Ảnh: TRẦN NGỌC
“Công tác giám sát, thanh, kiểm tra hoạt động sản xuất thực phẩm chế biến cũng được chú trọng và được tổ chức thường xuyên để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của hàng triệu dân TP.HCM” - bà Phong Lan cho biết thêm.
Bà Phong Lan còn cho biết các đội quản lý ATTP của quận, huyện phối hợp địa phương triển khai những chỉ đạo của TP đối với các cơ sở dịch vụ ăn uống và thực hiện kiểm tra. Trong đó, tập trung những nội dung trọng tâm như không được phục vụ tại chỗ, chỉ được bán mang đi, luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2 m, không tụ tập đông người (Công văn 670 và 683).
“Riêng ba chợ đầu mối ở TP.HCM, các đội quản lý ATTP tại chợ trực chiến toàn thời gian giám sát, kiểm tra để bảo đảm thực phẩm vào chợ phải an toàn. Hằng đêm, các đội quản lý ATTP chợ đầu mối vẫn phát hiện và tiêu hủy, xử phạt những trường hợp định đưa thịt heo kém chất lượng vào chợ kinh doanh. Bên cạnh đó, Ban Quản lý ATTP TP.HCM vẫn bảo đảm công tác kiểm dịch ngoại tỉnh mỗi đêm” - bà Phong Lan nói.
“Ban Quản lý ATTP TP.HCM cũng áp dụng hình thức làm việc qua mạng, hạn chế tiếp xúc. Ban tạm thời ngưng lập đoàn thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (thực tế hồ sơ nhận cũng rất ít). Ban cũng luôn có chế độ thường trực để giải quyết kịp thời các tình huống, sự cố về ATTP” - bà Phong Lan nói thêm.