Đáng chú ý, công văn này của bầu Kiên gửi cho VTV đồng chuyển cho VTC và các đài địa phương mà không cần thông báo cho AVG trên danh nghĩa vẫn nắm giữ bản quyền truyền hình trong tay.
Đây được xem là đòn “vỗ mặt” AVG của bầu Kiên khi chưa đầy 24 giờ trước, AVG trong cuộc làm việc với LĐBĐ VN đã phủ nhận vị trí pháp lý của VPF.
Thực chất thì AVG đang nắm đàng chuôi và nắm “người có tóc” là LĐBĐ VN nên rất ung dung và thậm chí là ở thế “bề trên”, mang luật ra nói khi làm việc với đại diện LĐBĐ VN.
Có thể nói mọi rắc rối nằm ở chỗ LĐBĐ VN trao quyền tổ chức lẫn khai thác thương mại cho VPF (trong đó có bản quyền truyền hình) mà “quên” đi yếu tố bắt buộc đó là tính thừa kế tất cả những gì mà LĐBĐ VN đã ký hợp đồng với các đối tác.
Cũng có ý kiến cho rằng bản thân bầu Kiên khi ký công văn cho phép VTV được truyền hình trực tiếp là muốn thể hiện quyền khai thác thương mại các giải đấu mà VPF được LĐBĐ VN giao quyền tổ chức. Đồng thời, VPF cũng muốn AVG phải thừa nhận vị trí VPF là đối tác và phải ngồi vào bàn đàm phán chứ không thể đẩy VPF ra ngoài như cái cách mà chiều 28-12 AVG đã thể hiện quan điểm chỉ biết LĐBĐ VN và mọi cái phải rõ ràng.
Bầu Kiên (ảnh lớn) tuyên chiến với AVG bất chấp LĐBĐ VN đã “bút sa” trong hợp đồng 20 năm đã ký kết với AVG (ảnh nhỏ). Ảnh: XUÂN HUY
Công văn của bầu Kiên không nhắc gì đến đơn vị đang giữ bản quyền truyền hình là AVG và điều này khẳng định ông bầu được xem là Idol 2011 này không ngại vi phạm hợp đồng hay tranh chấp, kiện cáo giữa LĐBĐ VN và AVG.
Cuộc chiến ngầm đã xảy ra từ tuần qua với những công văn đi, công văn lại nhưng đến chiều qua thì đã chính thức nổ ra với phần quyết liệt của VPF trong việc cho phép VTV và các đài được trực tiếp các trận đấu, đặt người giữ bản quyền truyền hình ra ngoài.
Ngày 1-1-2012, Super League chính thức khai mạc nhưng ngay từ hôm qua thì làng bóng Việt Nam đã nổ ra cuộc chiến rất lớn về bản quyền truyền hình.
Có vẻ như các ông bầu vẫn quen ăn to nói lớn và dùng quyền của mình để làm những đột phá lớn nhưng đột phá mà thành cuộc chiến thì ai dám nói là đầu xuôi?
AVG vẫn nắm đàng chuôi sau khi quả bom bản quyền truyền hình bóng đá Việt Nam mùa 2012 đã nổ ra. Trong khi đó, kể từ sau khi bầu Kiên ký công văn cho phép VTV trực tiếp các trận đấu thì các đại diện của LĐBĐ VN vẫn chưa có phát biểu chính thức nào. Hôm qua, điện thoại của các phóng viên chúng tôi lần lượt gọi cho các quan chức LĐBĐ VN và những người liên quan đến ký kết với AVG thì tất cả đều ngoài vùng phủ sóng hoặc không bắt máy.
VPF đã tuyên chiến nhưng chỉ có LĐBĐ VN mới trả lời được vấn đề này.
Những dấu hỏi chưa có lời đáp Điều lệ Super League cập nhật trên trang web LĐBĐ VN ngày 27-12 do Tổng Giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn ký nêu rõ: “Bản quyền truyền hình các trận đấu thuộc về VPF. Chỉ có VPF mới có quyền thương thảo và ký kết các hợp đồng bản quyền truyền hình trên mọi phương tiện truyền thông, truyền hình…”. >>> Khi ký điều lệ này, ông Viễn có biết bản quyền truyền hình trước đó đã được LĐBĐ VN bán cho AVG và dù có giao thương quyền tổ chức cho ai thì vẫn phải đảm bảo tính kế thừa của hợp đồng đã ký không? Ngày 21-12, AVG gửi công văn nhắc nhở LĐBĐ VN nếu có chuyển nhượng thương quyền hợp đồng cho VPF thì phải diễn ra sau khi đàm phán và được sự đồng ý của AVG. >>> LĐBĐ VN chắc chắn đã nhận được công văn này nhưng vì đã lỡ ký trước đó rồi nên bỏ qua luôn? Công văn cho phép VTV được trực tiếp các trận đấu về nguyên tắc phải do tổng giám đốc VPF - người chịu trách nhiệm về mặt pháp luật thay vì là ông phó chủ tịch HĐQT. |
NHÓM PHÓNG VIÊN THỂ THAO