VPF "tố" AVG chưa có giấy phép hoạt động khi ký hợp đồng với VFF

Trong công văn số 06, VFF đã khẳng định nghĩa vụ và quyền hạn của mình, sau đó là nhắc lại vai trò và quyền sở hữu của VPF sau khi được chuyển giao (từ VFF cho VPF).

"Việc VPF không thừa nhận quyền sở hữu các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam của VFF như vừa qua là việc cố tình không hiểu các quy định tối thiểu cần thiết của pháp luật thể thao và Điều lệ của Liên đoàn cũng như không tôn trọng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Thường trực Ban chấp hành VFF đề nghị Hội đồng quản trị VPF nghiêm túc rút kinh nghiệm về những phát biểu mang tính cá nhân của lãnh đạo VPF trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với VFF trong thời gian qua.

VFF yêu cầu trong khi chờ đợi để hoàn thành các thủ tục để VPF nhận ủy quyền đầy đủ của VFF điều hành, quản lý và tổ chức thực hiện theo sự chỉ đạo thống nhất của VFF đối với các giải bóng đá chuyên nghiệp, VPF phải thực hiện theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của VFF, nhất là trong các trường hợp có vướng mắc phát sinh",  trích từ công văn số 06 do VFF gửi cho VPF.
 

VPF "tố" AVG chưa có giấy phép hoạt động khi ký hợp đồng với VFF ảnh 1
Công văn số 26 của VPF gửi các Bộ: Tư pháp, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông ngày 4.1.2012
Sau nhiều lần gửi công văn trả lời cho VFF nhưng không thể tìm được tiếng nói chung, nên lần này VPF đã quyết định gửi công văn cho Bộ Tư pháp; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông với mục đích "nhờ cậy" các cơ quan có thầm quyền làm rõ trắng đen. Trong đó, VPF đã nêu ra 3 vấn đề: quyền chuyển giao, quyền sở hữu bản quyền truyền hình và quy định cấp giấy phép hoạt động báo chí trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình. Theo dẫn chứng của VPF, cả 3 vấn đề trên VFF và AVG hầu như đều vi phạm. Chẳng hạn, VPF đã dẫn chứng từ Điều 6 Luật Báo chí năm 1989, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Báo chí năm 1999, Nghị định 51/NĐ-CP của Chính phủ quy định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Báo chí và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Báo chí và Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 07/2011/TT-BTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 1.3.2011 quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo chí trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình quy định: "Giấy phép hoạt động truyền hình là giấy phép hoạt động báo hình gắn với sự ra đời của một tổ chức hoạt động phát thanh, truyền hình, quy định tôn chỉ, mục đích hoạt động của kênh truyền hình quảng bá..." và Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 07/2011/TT-BTTT quy định: Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép hoạt động phát thanh, Giấy phép hoạt động truyền hình...". Theo đó, VPF kết luận: "Vào thời điểm ký hợp đồng ngày 8.12.2010, AVG không có giấy phép hoạt động truyền hình theo quy định của pháp luật...".
VPF "tố" AVG chưa có giấy phép hoạt động khi ký hợp đồng với VFF ảnh 2

Công văn 06 của VFF gửi VPF ngày 4.1.2012


Còn với trường hợp sở hữu bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp VN, VPF đã ghi như sau: "Theo Khoản 2 Điều 53 Luật Thể dục, Thể thao năm 2006 và Điều 12 Nghị định 112/2007/NĐ-CP ngày 26.6.2007 của Chính phủ quy định quyền sở hữu bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp VN thuộc về VFF và các CLB bóng đá chuyên nghiệp.

Nhưng thực tế khi ký hợp đồng nói trên VFF chưa có được sự đồng ý của người có thẩm quyền của các CLB bóng đá chuyên nghiệp về việc ủy quyền cho VFF đại diện các CLB đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình các giải thi đấu bóng đá chuyên nghiệp".

Xem ra cuộc chiến về bản quyền truyền hình bóng đá VN vẫn ngày một... gay cấn hơn.

Theo Sơn Tùng (TNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm