Đúng hơn là cho đến khi bầu Đức công khai rằng VPF đã ký bản ghi nhớ với VTV về việc mua bản quyền giải V-League trong ba năm với giá trị lên đến 76 tỉ đồng thì rất nhiều người giật mình.
Từ đất hoang…
Cần phải trở lại chuyện bản quyền từ khi AVG chưa ra đời. Lúc đấy LĐBĐ VN phải đi năn nỉ các nhà đài truyền trực tiếp giải vô địch quốc gia gọi là phục vụ người hâm mộ nhưng mục đích chính là không có sóng trực tiếp thì không đơn vị nào nhảy vào tài trợ cho giải.
Đến khi AVG ra đời và mon men đặt vấn đề với thể thao Việt Nam (ngoài bóng đá, AVG còn mua thương quyền nhiều môn thể thao với nhiều liên đoàn) thì bản quyền với bóng đá Việt Nam vẫn là “bãi đất hoang” chưa ai chịu khai thác. Gần nhất là V-League 2009 rồi 2010, khi LĐBĐ VN bán lẻ được một số trận mà VTV, VTC chọn cũng không phải là bản quyền mà là những giải pháp làm sao có sóng để “thu được tiền nhà tài trợ”. Việc mua và bán hồi đấy theo LĐBĐ VN và cả các đội bóng chỉ là tượng trưng và bên mua thì lựa (trận) còn bên bán cũng không màng chuyện thu tiền vì chẳng được bao nhiêu mà còn mất thêm cho “dịch vụ” nữa là đàng khác. Thế nên khi AVG nhận mua sỉ với cái giá 6 tỉ đồng lũy tiến 10% mỗi năm thì LĐBĐ VN mừng húm vì cho rằng đã bán được cái mà từ trước đến giờ có khi phải mất tiền để làm vui lòng nhà tài trợ.
Công bằng mà nói thì việc bán 20 năm, phía LĐBĐ VN mà chủ xị là ông Lê Hùng Dũng và ông Nguyễn Trọng Hỷ có bị “ép” với đòi hỏi không bán ngần ấy năm thì nghỉ chơi và nếu giỏi thì cứ tìm đối tác khác.
Tổng cục TDTT điều hành cuộc gặp gỡ giữa VPF với LĐBĐ VN và cả AVG. Ảnh: QUANG THẮNG
Tất nhiên để bán được hàng với điều kiện kéo dài những năm nhiệm kỳ thì LĐBĐ VN phải nghiên cứu cả rừng luật rồi trình Tổng cục TDTT, trình Bộ VH-TT&DL xin ý kiến rồi mới bút sa.
… Đến đất dự án
Năm đầu trong 20 năm hợp đồng đã được thực hiện rất êm khi số trận phát sóng đến người hâm mộ cũng tăng đáng kể khi đa phần AVG cho không các đài khai thác mà không đòi hỏi gì.
Đến năm thứ hai, khi VPF ra đời cùng lúc AVG có những ràng buộc gắt gao hơn với “quyền” và “lệnh” thì “nổ”. Lúc này thì đối trọng mà VPF đưa ra để “chọi” với AVG và để cho rằng hợp đồng đấy quá bèo và quá thiệt lại chính là VTV - đơn vị mà mới đây bầu Đức đã công khai là đã ký bản ghi nhớ với VPF sẵn sàng trả cao hơn rất nhiều so với giá trị mà AVG trả (ba năm 76 tỉ đồng và mới chỉ là khai thác bản quyền V-League thôi).
Cái giá đấy ai nghe cũng kinh ngạc bởi từ một trận vài triệu đồng của những năm 2009, 2010 thế mà VTV giờ dám “bỏ thầu” hơn 25 tỉ đồng cho một mùa bóng. Hôm qua thì chính AVG cũng kinh ngạc trước thông tin này và sẵn sàng chọn giải pháp mời VTV vào để “sang tay” kèm những điều kiện ràng buộc theo luật định.
Rõ ràng đây là tín hiệu mừng cho bóng đá Việt Nam vì từ một bản quyền chẳng ai quan tâm sau khi có người “khai hoang” thì giá trị của nó đã tăng rất lớn nhờ có cạnh tranh.
Có người hóm hỉnh ví bản quyền bóng đá Việt Nam như một cô gái xấu xí chưa dậy thì bị bố mẹ gả quách cho nhà trai để lấy lễ vật và “hết trách nhiệm” nhưng mới hơn một năm ở nhà chồng cô gái ấy lại được một nhà trai khác ngắm nghía với lễ vật cao hơn, nhiều hơn và thế là…
Mảnh đất hoang mua cuối năm 2010 đến đầu năm 2012 đã trở nên đất dự án.
Nếu thực sự vì cái chung
Ở đây cứ cho rằng nguồn tin mà bầu Đức đưa ra (VTV chấp nhận trả 76 tỉ đồng cho ba mùa) là có thật sau khi VTV đã tính toán có lợi từ gói thầu giá cao chứ không phải “bỏ thầu” cao để phá AVG, thì việc ngồi lại với nhau để phá vỡ hợp đồng cũ hoặc thương thảo để tiến đến một hợp đồng có lợi hơn cũng cần phải có trước, có sau và phải đúng luật.
Nếu Thanh tra Bộ VH-TT&DL làm đúng và cấp thanh tra cao hơn sau này cũng khẳng định đúng thì VPF vẫn phải theo bởi đấy là luật và phần sửa luật hay sửa những điều mà VPF cho là bất hợp lý phải được trình từ những cấp có trách nhiệm lên theo đúng luật, đúng bài bản để Quốc hội thông qua.
Còn ngược lại nếu sự việc diễn ra như tiên đoán của bầu Đức (ông nói rằng kết luận Thanh tra Bộ “có mùi” và thanh tra cấp cao hơn sẽ làm cho ra lẽ) thì lúc đấy việc lấy lại hợp đồng và trao cho VTV để nhận 76 tỉ đồng cho ba mùa vẫn chưa muộn.
Tôi không đồng ý với việc vội kết luận rằng “liên danh” LĐBĐ VN - AVG thắng và VPF thua nếu nhìn từ góc độ họ thực sự làm vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam và tôn trọng luật pháp. Tôi cũng không đồng tình với cái cách “cầm đèn chạy trước ô tô” của một số nhân vật khi bày ra cách hủy hợp đồng với AVG và chạy sang VTV đang chờ sẵn đơn giản vì bán sau có lợi hơn bán trước.
Nếu thực sự ai cũng vì bóng đá Việt Nam như họ vẫn nói cửa miệng thì việc ngồi lại với nhau không khó.
Chỉ tiếc là trong thời gian qua các bên đã tự làm khó cho nhau khi đẩy sự việc đi quá xa khiến cho cuộc ngồi lại hôm qua bằng mặt nhiều hơn bằng lòng và vẫn còn nhiều ấm ức.
Cách hay nhất vẫn là VPF và LĐBĐ VN phải là một vì nên nhớ LĐBĐ VN được Nhà nước trao quyền là tổ chức duy nhất điều hành các hoạt động bóng đá Việt Nam và chịu trách nhiệm trước Chính phủ chứ không phải là VPF.
Mong LĐBĐ VN thể hiện đúng phần việc của mình và nếu sai thì nhận và sửa sai.
Mong VPF sẽ là trợ lực để giúp LĐBĐ VN phát triển tốt hơn những phần mà Liên đoàn còn yếu chứ không phải là đơn vị làm thay LĐBĐ VN điều hành.
Nếu thực sự vì cái chung và vì bóng đá Việt Nam chứ không vì cái gì khác ẩn chứa đằng sau đó thì ngồi lại với nhau để cùng vận hành sẽ không khó.
Hai cuộc họp quan trọng liên quan đến bản quyền giữa VPF - AVG và Tổng cục TDTT với LĐBĐ VN và VPF - VPF cho biết tiền bản quyền truyền hình nếu ký với đối tác khác có thể còn hơn cả mức 70-100 tỉ đồng trong ba năm. Hai mong muốn VPF đặt ra với AVG là các trận đấu phải được VTV tường thuật nhiều nhất trên các kênh quảng bá và giá trị hợp đồng cần cao hơn mức mà LĐBĐ VN đã ký với AVG. - Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ hứa sẽ xem xét và trả lời trong tuần tới. Ông Vũ cũng nói thêm là sẵn sàng nhượng lại bản quyền truyền hình nếu như có một đối tác nào đó mua với giá từ 70 đến 100 tỉ đồng trong ba năm. - Trong cuộc họp với Tổng cục TDTT và LĐBĐ VN, VPF yêu cầu xem xét sớm, phê duyệt quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2012 trong đó có cả tên giải; việc đề nghị xem xét cho phép các cầu thủ chuyên nghiệp đang thi đấu tại châu Âu có bố hoặc mẹ là người Việt Nam được phép về thi đấu như cầu thủ nội; đề nghị thành lập Ban Đạo đức và người thành lập, giám sát là VFF; thành lập tiểu ban kỷ luật riêng của bóng đá chuyên nghiệp. Phía Tổng cục TDTT cho biết sẽ giải quyết vấn đề thông qua quy chế bóng đá chuyên nghiệp ngay trong tháng 2. Tổng cục TDTT bày tỏ việc mong các bên thảo luận tìm hướng đi có lợi cho bóng đá Việt Nam. TT - VH |
NGUYỄN NGUYÊN