Bộ Tư pháp kết luận về hợp đồng truyền hình giữa LĐBĐ VN và AVG: Đúng luật!

Sau một thời gian dài ông Nguyễn Đức Kiên (Phó Chủ tịch HĐQT VPF) đề nghị phải thanh tra tính hợp pháp về việc LĐBĐ VN bán thương quyền truyền hình các giải chuyên nghiệp Việt Nam cho AVG, Bộ VH-TT&DL đã tiến hành tham khảo ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 10-2, Bộ Tư pháp có Công văn số 203/BVHTTDL-TTr gửi Bộ VH-TT&DL về một số vấn đề liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá giữa LĐBĐ VN và AVG. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc, Bộ Tư pháp có ý kiến:

Về quyền của LĐBĐ VN đối với thương quyền các giải bóng đá do LĐBĐ VN
tổ chức

Theo khoản 2 Điều 53 Luật Thể dục, Thể thao năm 2006; Điều 12 Nghị định số 112/2007/NĐ-CP ngày 26-6-2007 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thể dục, Thể thao; khoản 14 Điều 4 Điều lệ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (được phê duyệt kèm theo Quyết định số 224/QĐ-BNV ngày 19-3-2010 của bộ trưởng Bộ Nội vụ) quy định LĐBĐ VN “sở hữu tất cả các quyền phát sinh từ các giải đấu và các sự kiện thuộc quyền quản lý, tổ chức, điều hành của LĐBĐ VN, trong đó bao gồm các quyền về tài chính; quyền thu thanh, ghi hình; sản xuất; phát thanh, truyền hình, truyền thông đa phương tiện; quảng cáo, tiếp thị; các quyền khác theo quy định của pháp luật Việt Nam”.

Như vậy, theo các quy định pháp luật và điều lệ nêu trên thì LĐBĐ VN có quyền sở hữu đối với thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp do mình tổ chức.

Bộ Tư pháp kết luận về hợp đồng truyền hình giữa LĐBĐ VN và AVG: Đúng luật! ảnh 1

Bộ Tư pháp khẳng định hợp đồng chuyển nhượng thương quyền truyền hình bóng đá giữa LĐBĐ VN và AVG là hợp luật. Ảnh: ANH THÁI

Về thẩm quyền và quy trình, thủ tục mà LĐBĐ VN đã thực hiện khi ký kết hợp đồng với AVG

+ Về thẩm quyền ký kết hợp đồng của LĐBĐ VN

Điều 75 Điều lệ LĐBĐ VN (sửa đổi, bổ sung) năm 2010 có quy định LĐBĐ VN là cơ quan duy nhất được trao quyền cho các đối tác về phân phối hình ảnh, âm thanh và những dữ liệu khác của các trận bóng cũng như các sự kiện hoạt động bóng đá do LĐBĐ VN tổ chức và không có bất kỳ giới hạn nào về nội dung, thời gian, địa điểm, các vấn đề kỹ thuật và pháp lý. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 74 của điều lệ này cũng đã quy định Ban Chấp hành LĐBĐ VN quyết định phương thức và mức độ sử dụng những quyền được quy định ở khoản 1 Ðiều 74, đồng thời đưa ra các quy định đặc biệt cho mục đích này. Ban Chấp hành có quyền quyết định sử dụng độc quyền các quyền trên hoặc liên kết với một bên thứ ba hoặc hoàn toàn thông qua bên thứ ba.

Các quy định của điều lệ nêu trên cho thấy LĐBĐ VN hoàn toàn có thẩm quyền trong việc chuyển nhượng quyền sở hữu đối với các giải bóng đá chuyên nghiệp thuộc LĐBĐ VN cho các đối tác.

+ Về quá trình thủ tục ký kết hợp đồng

Hồ sơ cho thấy hợp đồng được ký kết là kết quả của một loạt hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền của LĐBĐ VN. Vấn đề bầu Kiên quan tâm là liệu các đại diện có thẩm quyền của CLB có được thông qua việc ký hợp đồng này, Bộ Tư pháp nhấn mạnh: “Ngày 7-12-2010, Đại hội thường niên LĐBĐ VN khóa VI với sự tham gia của 50/75 tổ chức thành viên và 19/23 ủy viên Ban Chấp hành đã ra Nghị quyết số 446/NQ ĐHTNLĐBĐVN 2010-VI, trong đó có nội dung biểu quyết thông qua việc cho phép LĐBĐ VN ký kết hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình cho AVG trong giai đoạn 2011-2030”.

Bộ Tư pháp kết luận: Có thể thấy LĐBĐ VN đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật và điều lệ liên quan đến quy trình, thủ tục ký kết hợp đồng chuyển nhượng thương quyền bóng đá với AVG.

Về thời hạn của hợp đồng chuyển nhượng thương quyền bóng đá
với AVG

Qua nghiên cứu pháp luật hiện hành của Việt Nam về dân sự, thương mại, Bộ Tư pháp chưa thấy có quy định nào giới hạn về thời hạn của hợp đồng. Do đó, căn cứ vào nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng được quy định tại Điều 4 và Điều 389 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì có thể nhận định rằng thỏa thuận thời hạn 20 năm về chuyển nhượng thương quyền bóng đá giữa LĐBĐ VN và AVG không trái pháp luật.

Trong khi đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cấp phép hoạt động cho AVG giải tỏa thắc mắc của bầu Kiên về việc AVG có chức năng mua bán thương quyền các giải đấu chứ không phải chỉ có quyền môi giới. Về khả năng AVG vi phạm Luật Báo chí như diễn giải của bầu Kiên là trong thời điểm ký hợp đồng (tháng 12-2010), AVG chưa có chức năng truyền hình thì Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến trái ngược khi khẳng định AVG không phạm luật.

Bầu Kiên đồng ý với kết luận thanh tra

Chiều qua (15-2), Thanh tra Bộ VH-TT&DL giải đáp tất cả yêu cầu của bầu Kiên, dựa trên các kết luận của cơ quan chức năng và ông phó chủ tịch HĐQT VPF cơ bản đã đồng ý. Như thông tin bầu Kiên đưa ra tại cuộc gặp gỡ với báo giới ngày 9-2, nếu VPF chưa cảm thấy thỏa đáng với kết luận của Thanh tra Bộ VH-TT&DL sẽ yêu cầu phúc tra ở cấp cao hơn. Hai phương án tiếp theo của bầu Kiên là đưa vụ việc ra tòa án hoặc đề nghị Đại hội bất thường LĐBĐ VN xem xét, thỏa thuận lại hợp đồng chuyển nhượng thương quyền truyền hình giữa LĐBĐ VN và AVG.

THANH THANH - NGỌC ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm