“Nơi dự kiến thực hiện dự án sân bay Long Thành có diện tích đất đầu cơ lớn nên chính sách bồi thường, giải tỏa phải tính toán cẩn thận. Đơn cử, những người dân thực tế sinh sống tại đây mới được bồi thường và hỗ trợ nhưng không hỗ trợ cho nhà đầu cơ. Vì ở nhiều dự án, chi phí hỗ trợ (tạo việc làm, nhà tái định cư...) còn lớn hơn tiền bồi thường”.
TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, đề nghị như trên khi góp ý xây dựng cơ chế, chính sách về việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống cho người dân bị giải tỏa được tổ chức hôm 30-10 ở Hà Nội.
Dân giải tỏa “làm việc ở sân bay”
TS Trần Du Lịch cho rằng thời gian bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài nhiều năm nên phải lưu ý quỹ đất đã giải tỏa nhưng chưa xây sân bay sẽ được sử dụng thế nào? Theo đó, địa phương và chủ đầu tư cần tính toán lộ trình thực hiện để sử dụng đất đã giải tỏa cho khỏi lãng phí. “Trong tổng số dân đó có bao nhiêu người làm nông sẽ được đào tạo chuyển đổi ngành nghề? Trong 5.000 ha đất giải tỏa được quy hoạch làm nhiều hạng mục phát triển đô thị cảng thì liệu có tính đến sau này họ trở thành những lao động trong khu vực?” - ông Lịch nói.
Đồng tình, TS Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng tỉnh phải có chính sách hợp lý để những người dân trong khu đất dự án trở thành thị dân trong tương lai.
Ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết tỉnh đang làm việc với các trường dạy nghề trên địa bàn, các khu công nghiệp trong vùng để xác định nhu cầu lao động, ngành nghề. Từ đó, tỉnh tổ chức hỗ trợ dạy nghề cho người dân nhằm đảm bảo sau khi học nghề sẽ có việc làm. “Dự kiến từ nay đến năm 2018 tỉnh sẽ dạy những nghề gì mà người dân học xong có việc làm ngay. Từ năm 2018 đến 2023 sẽ tổ chức dạy những nghề để khi khai thác sân bay sẽ tìm được việc làm ngay tại đây. Ngoài ra, đối với những người già thì phải có chính sách hỗ trợ làm sao để họ vẫn có thu nhập. Nếu không có thu nhập, việc tái định cư có tốt đến đâu cũng không hiệu quả” - ông Vĩnh khẳng định.
Dự án sân bay Long Thành có diện tích 5.000 ha, phải giải tỏa, di dời gần 15.000 người (khoảng 4.730 hộ). Ảnh: INTERNET
Xin cơ chế đặc thù
Theo ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, công tác bồi thường, tái định cư, đào tạo, chuyển đổi nghề và ổn định cuộc sống cho người dân là vấn đề lớn với nhiều khó khăn phức tạp. Vì vậy cần phải có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm đảm bảo người dân có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. “UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Thủ tướng cho tách nội dung bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thành tiểu dự án và cho tạm ứng kinh phí để Đồng Nai sớm thực hiện” - ông Thái thông tin.
TS Trương Văn Phước cho rằng nếu ngân sách không đáp ứng được nhu cầu vốn cho việc bồi thường, giải tỏa thì phải tính đến cách huy động vốn khác như việc phát hành loại trái phiếu, tín phiếu sân bay Long Thành cho các hộ trong vùng quy hoạch. Ông Phước nói: “Ví dụ người dân được bồi thường 5 tỉ đồng thì có thể nhận 2 tỉ đồng và phần còn lại mua trái phiếu, tín phiếu. Người dân sẽ quyết định song đây là một gợi ý giúp cho quá trình bồi thường, giải tỏa được thuận lợi hơn”.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nhìn nhận việc bồi thường, giải tỏa trên một diện tích lớn để xây sân bay Long Thành sẽ rất khó khăn. “Trước đây, khi tôi là phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tham gia thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân Vũng Áng. Ở dự án này, đến nay vài người dân, cán bộ vẫn đang ngồi tù nên việc bồi thường, giải phóng mặt bằng ở dự án sân bay Long Thành phải hết sức thận trọng” - ông Nhật lưu ý.
15.000 người nhường đất Dự án sân bay Long Thành có diện tích 5.000 ha, phải giải tỏa, di dời gần 15.000 người (khoảng 4.730 hộ). UBND tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch hai khu tái định cư Lộc An và Bình Sơn với mức đầu tư 5.390 tỉ đồng để bố trí cho người dân bị giải tỏa. Kết quả lấy ý kiến của toàn bộ hộ dân nằm trong khu vực trên đều đồng tình với việc di dời... nhưng việc di dời sẽ kéo dài ít nhất là trên ba năm. Ông ĐẶNG MINH ĐỨC, Đẩy nhanh tiến độ dự án sân bay Long Thành Hàng không Việt Nam đang phát triển “nóng”. Quá trình tự do hóa các hoạt động hàng không dân dụng, việc mở cửa bầu trời Việt Nam với các nước trên thế giới đang diễn ra mạnh mẽ. Việc đẩy nhanh tiến độ dự án sân bay Long Thành là nhiệm vụ cấp thiết của ngành. Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT, tỉnh Đồng Nai sớm thực hiện các công việc cần thiết để hoàn thành, đưa vào khai thác giai đoạn 1 của dự án vào năm 2023. Ông LẠI XUÂN THANH, |