Bộ Tư pháp vừa trình Quốc hội bản dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) 2012 (thay thế Nghị định 81/2013).
Theo Điều 19 của dự thảo, đăng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc xử phạt VPHC đối với cá nhân, tổ chức được thực hiện một lần, thời gian đăng tải ít nhất là 30 ngày.
Hiện vẫn chưa có quy định về thời hạn tối đa đăng công khai thông tin xử phạt VPHC. Do đó, quy định mới trong dự thảo lần này được đánh giá sẽ tránh cho chủ thể vi phạm bị “bêu” tên dài dài dù đã chấp hành xong xử phạt.
Cần rõ thời gian tối thiểu và tối đa
Dự thảo quy định công khai đối với các vi phạm theo Điều 72 Luật Xử lý VPHC 2012 gồm: VPHC về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả... gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì phải công bố công khai về việc xử phạt. Quy định này cho thấy mục đích công khai là để bảo vệ lợi ích của người dân.
Hình minh họa
Tuy tán đồng quy định công khai việc xử phạt hành chính nhưng cả TS Đoàn Thị Phương Diệp (giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật) và TS Nguyễn Lan Hương (giảng viên Khoa luật Trường ĐH Cần Thơ) đều cho rằng cần quy định rõ thời gian tối đa của việc công khai để tránh sự tùy nghi.
Theo TS Hương, việc công khai cần đảm bảo tuân thủ nguyên tắc chung là không được tùy tiện xâm phạm quyền của cá nhân, tổ chức vi phạm. Người VPHC, gây hậu quả thiệt hại cho xã hội, cho người khác nhưng chỉ chịu trách nhiệm pháp lý trong phạm vi, mức độ của hành vi vi phạm.
Dự thảo cần bổ sung quy định xóa tự động thông tin về xử phạt đã đăng khi hết thời hạn công khai, không cần chủ thể bị xử phạt phải đề nghị xóa. Khi còn trong thời hạn tối thiểu nhưng người vi phạm đã chấp hành quyết định xử phạt thì cơ quan đăng tải nên bổ sung nội dung này trên trang thông tin để đảm bảo quyền lợi người vi phạm.
“Cần tính đến biện pháp mang tính khuyến khích chủ thể vi phạm nhanh chóng chấp hành quyết định xử phạt để sớm được xóa thông tin sau khi công khai xong thời gian tối thiểu” - TS Hương đề xuất.
TS Diệp cũng cho rằng để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân có thể hoạt động bình thường sau khi bị xử phạt thì nên giới hạn thời gian công bố thông tin.
“Việc kéo dài thời gian công khai sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chủ thể tuân thủ tốt việc xử phạt. Nhưng đối với người vi phạm chậm trễ chấp hành thì điều này không có nhiều ý nghĩa. Chủ thể bị phạt không khắc phục, sửa sai thì nên có chế tài nặng hơn do việc tái phạm hay vi phạm nhiều lần” - TS Diệp nêu.
Bàn về thời gian tối đa, TS Diệp đề xuất thời gian công khai thông tin nhiều nhất là ba tháng.
Ngừng công bố khi người vi phạm khắc phục xong
ThS Võ Phước Long (Trưởng bộ môn luật đại cương, Khoa luật, ĐH Kinh tế TP.HCM) có quan điểm rằng cần ngừng công bố thông tin người vi phạm khi họ đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm.
Khoản 1 Điều 72 Luật Xử lý VPHC 2012 chỉ cho phép công khai trong những trường hợp cần thiết vì lợi ích chung của xã hội. Nghĩa là trong trường hợp này, lợi ích xã hội cao hơn lợi ích người vi phạm, hay dễ hiểu hơn là có lý do “chính đáng”.
“Nếu chủ thể VPHC đã nộp phạt, đã thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả thì họ đã làm đúng và đủ trách nhiệm. Lúc này, cơ quan chức năng nên ngừng việc công bố thông tin người vi phạm” - ThS Long nói.
Ông Long cho rằng nhiều trường hợp, vì lý do khách quan mà sản phẩm, hoạt động của cá nhân, tổ chức gây hại cho xã hội còn trôi nổi trên thị trường, chưa thể thu hồi thì nên có quy định để chủ thể vi phạm tự “công bố thông tin về sản phẩm nguy hại” đến cộng đồng. Nếu chủ thể vi phạm không công bố thì cơ quan thẩm quyền xử phạt và bắt buộc công bố.
“Theo tôi, quy định như vậy vừa bảo vệ xã hội mà không xâm hại đến danh dự, uy tín của người vi phạm. Đồng thời cũng không gây áp lực cho cơ quan truyền thông phải có nghĩa vụ công bố thông tin và tránh cho họ bị kiện tụng” - ông Long nhấn mạnh.
Những thông tin sẽ được đăng công khai Theo Điều 19 của dự thảo, nội dung thông tin công bố công khai về việc xử phạt hành chính của cá nhân, tổ chức vi phạm gồm: Họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi VPHC; hậu quả hoặc ảnh hưởng của hành vi vi phạm; hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả và thời gian thực hiện. |